Yêu nước đúng cách

17/08/2019 10:42

Ngày 13.8, nhóm tàu khảo sát Hải Dương - 8 của Trung Quốc lại tái xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính, khiến dư luận trong nước phẫn nộ.

Cuối tuần qua, trong một buổi gặp gỡ liên hoan giữa những người bạn, đủ thứ chuyện trên trời dưới bể đang cao trào thì bỗng dưng chùng xuống khi một ông anh tưởng chừng như cả đời không quan tâm đến chính trị, chỉ biết kiếm tiền, hừng hực lên tiếng: “Tôi bực quá! Tên hàng xóm dã tâm cậy nước lớn mà bao đời nay cứ nhăm nhe xâm phạm, bắt nạt mình vô lối! Chả có người Việt Nam nào quên được trận Gạc Ma! Cho nên, với bãi Tư Chính thì cũng đừng có hòng, khi cần tôi tin là cả cái nước Việt Nam này sẵn sàng đứng thẳng mà chiến!”. 

Thật là vậy! Không phải chỉ lần này, mà ngay từ những lần trước khi có thông tin về việc có tầu Trung Quốc xâm phạm ở các vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thì từ mạng xã hội đến từng ngóc ngách cuộc sống người Việt trong nước hay kiều bào đều dậy sóng, đầy sôi sục, đầy nhiệt huyết, sẵn sàng làm điều gì đó khi Tổ quốc cần. 

Yêu nước, sẵn sàng vì đất nước vốn là sức mạnh của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay, “Khi Tổ quốc cần thanh niên ta tiến lên” hay “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau…”, đã trở thành lời thơ câu hát thấm nhuần bao thế hệ. Đây cũng chính là sức mạnh của một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng hết sức quật cường, là “vũ khí” chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược trong suốt chiều dài lịch sử đất nước.

Thế nhưng, trong từng bối cảnh, lòng yêu nước không thể chỉ theo cảm tính, mà chúng ta phải biết yêu một cách tỉnh táo, đúng cách, để tình yêu đó không những có lợi cho đất nước mà còn không làm tổn hại đến mục đích và lợi ích chung của quốc gia dân tộc.

Nhiều người có thể chưa hiểu được thấu đáo cách mà Việt Nam ta đang tiến hành bảo vệ chủ quyền hợp pháp đối với các vùng biển của ta được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Chính vì thế, chúng ta phải có một lộ trình chặt chẽ, phù hợp, không thể nôn nóng. Do không hiểu, nên với sự sục sôi trong lòng, đã có không ít người bày tỏ sự sốt ruột, lo lắng, thậm chí đặt câu hỏi về cách chúng ta hành động.

Họ không biết rằng, các thế lực thù địch đã ngay lập tức lợi dụng tâm lý này để tuyên truyền sai lệch, nhằm làm mất niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo, đường hướng của Nhà nước trong việc giải quyết vấn đề này. Trên mạng xã hội, các thế lực phản động tung ra những bài viết dưới chiêu bài yêu nước nhưng lại đưa ra các luận điểm cho rằng phản ứng của Việt Nam còn chưa đủ mạnh, còn yếu ớt, nhằm kích động một bộ phận người dân. Đã có những câu bình luận hoặc chia sẻ các bài viết này một cách vô thức, vô hình chung tiếp tay cho âm mưu phá hoại Nhà nước. Trong khi đó, từ mạng ảo đến đời thật chỉ là trong gang tấc, và trên thực tế đã có những hành động bột phát, đi theo những phát động không chính thức, gây phức tạp tình hình và đây chính là cái đích nhắm đến của các phần tử chống phá!

Bởi vậy, một lần nữa phải nhắc lại rằng, một khi sức mạnh tiềm ẩn của Việt Nam là tinh thần yêu nước vô bờ bến của người dân, thì chúng ta lại càng phải biết yêu đúng cách. Chúng ta có quyền yêu nước, quyền được bày tỏ, quyền được hành động… Nhưng, trước hết đối với các vấn đề đại sự của quốc gia dân tộc, thì điều đầu tiên mỗi người dân phải nằm lòng chính là phải hiểu và làm theo đúng chủ trương, đường hướng của Đảng, Nhà nước và tuân thủ theo luật pháp trong nước cũng như quốc tế. Không thể vì nhân danh yêu nước mà tự kích động hành động, hoặc đi theo “tiếng gọi” yêu nước một cách mù quáng, để có thể dẫn tới những hậu quả khó lường cho chính cá nhân và xa hơn là tạo ra một nguy cơ mới cho đất nước. Yêu nước lúc này bởi vậy là chỉ cần không làm gì tổn hại và cảm thấy có hại cho đất nước.

Trên thực tế, trong thời gian qua, Chính phủ đã có những phản ứng rất quyết liệt và có những bước đi bài bản  đối với việc Trung Quốc đưa tàu Hải Dương - 8 vào Bãi Tư Chính. Chỉ trong vòng 1 tuần, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ba lần lên tiếng chính thức về quan điểm của Việt Nam đối với vụ việc này, với cấp độ ngày càng cao. Trong phát biểu vào ngày 16.7.2019, Người phát ngôn khẳng định "mọi hoạt động của nước ngoài" là vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật quốc tế và Công ước Luật Biển năm 1982 nếu không có sự cho phép của Việt Nam. Ngày 19.7.2019, Người phát ngôn chỉ đích danh Trung Quốc và nhóm tàu khảo sát Hải Dương - 8 là "đối tượng vi phạm" được nêu trong phát biểu ba ngày trước đó. Người phát ngôn còn cho biết: "Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao đổi công hàm phản đối". Đến ngày 25.7, Người phát ngôn tiếp tục khẳng định lập trường của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc rút ngay nhóm tàu khảo sát ra khỏi vùng EEZ của Việt Nam!

Song song đó, trong khuôn khổ  Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Hội nghị liên quan diễn ra đầu tháng 8 tại Bangkok - Thái Lan, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh  đã thể hiện quan điểm  thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng và hữu nghị về vấn đề này. Vì thế đã nhận được sự chia sẻ và ủng hộ của nhiều nước. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đã gặp trực tiếp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị để khẳng định lập trường, nguyên tắc của Việt Nam về sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông.

Như vậy, có thể nhận thấy, chúng ta đã rất bài bản, kiên nhẫn, thiện chí, chuẩn mực và có trách nhiệm cao trong giải quyết sự việc này. Theo nhận định chung, cách làm này đã đặt Việt Nam ở vị thế chính nghĩa trên trường quốc tế về đối ngoại và thể hiện bản lĩnh, trí tuệ về đối nội. Mục đích cao nhất  và kim chỉ nam cho cách ứng xử trên là Việt Nam cố gắng bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định trong khu vực, quốc tế và phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Và với cách làm đó, chúng ta đã đạt được các kết quả nhất định khi ngày 8/8 vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết “nhóm tầu Hải Dương - 8 của Trung Quốc đã rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”, đồng thời Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng quốc tế, trong các bước đi tiếp theo.

Rõ ràng, với kinh nghiệm, kết quả của phương pháp đấu tranh ngoại giao uyển chuyển và thái độ cứng rắn nhưng tôn trọng luật pháp quốc tế, hoà bình ổn định khu vực và thế giới của chúng ta trong sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 cũng như trong vụ việc nhóm tầu Hải Dương - 8 lần này, thì không có lý do nào để không tin rằng: Những bước đi tiếp theo của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của chúng ta trên các vùng biển, đảo là hết sức chắc chắn, hiệu quả, bài bản và đúng luật pháp. Bởi vậy, yêu nước lúc này, còn là việc đặt trọn niềm tin và ủng hộ tuyệt đối vào con đường đấu tranh mà Đảng, Nhà nước đã lựa chọn! 

NINH HỒNG NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Yêu nước đúng cách