Hiện có không ít bạn trẻ ngại kết hôn vì tâm lý không muốn ràng buộc vào mối quan hệ gia đình.
Anh N.C.H. dành nhiều thời gian cho công việc, ngại yêu, ngại cưới
Nhiều bạn trẻ hiện nay ngại kết hôn mặc dù đã có khoảng thời gian dài yêu nhau, thậm chí không ít người chọn cách sống độc thân.
Sợ gánh nặng gia đình
Dù đã yêu nhau 7 năm nhưng khi nói đến chuyện kết hôn, chị Nguyễn Hiền (sinh năm 1990), công nhân tại một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) vẫn chưa sẵn sàng. Bạn bè, gia đình ai cũng mong chờ đám cưới của chị nhưng mỗi khi nói đến cưới chị lại sợ. Tại nơi làm việc, chị Hiền còn nghe đồng nghiệp kể về cuộc sống hôn nhân gia đình thực tế không giống như những gì mơ ước trước đó. Có người phải ly hôn sau vài tháng kết hôn, rồi khó hòa hợp với gia đình nhà chồng, áp lực công việc, sinh đẻ… “Cứ nghĩ đến việc về sống cùng một nhà, làm dâu, làm vợ, rồi làm mẹ thì tôi thấy sợ, vì cùng lúc mà nhiều trách nhiệm quá”, chị Hiền nói.
Chị Phạm Thị Thư (29 tuổi, ở xã Bình Dân, Kim Thành) đang làm việc tại Hà Nội. Đến nay, chị vẫn chưa có ý định kết hôn khiến gia đình rất sốt ruột. Người yêu chị Thư ở Nghệ An, thi thoảng ra Hà Nội công tác 2 người mới gặp nhau. Theo chị Thư, lúc đầu mới nhận lời yêu anh, anh chị còn mặn nồng ngày nào cũng gọi điện để nhìn thấy nhau. Lâu dần, cả hai cùng tập trung vào công việc, lời hỏi thăm cũng thưa dần. Chị Thư cho biết sống một mình đã quen và thoải mái. Vì người yêu ở xa nên chị dành nhiều thời gian cho công việc, khi về đến phòng trọ thì trời đã tối, chuyện tình cảm với chị có cũng được, không có cũng xong. Áp lực lớn nhất với chị là khi về quê, bố mẹ và họ hàng hỏi nhiều về chuyện cưới xin.
“Yêu là một chuyện nhưng kết hôn lại là chuyện khác. Yêu thì có thể vẫn thân ai nấy lo, nhưng khi lấy rồi lại phải chu đáo cho cả hai bên gia đình… Tôi chưa muốn xây dựng gia đình vì sợ áp lực về mọi mặt”, chị Thư nói.
Nghĩ về một đám cưới, khoác lên mình chiếc áo cô dâu, mặc những bộ vest lịch lãm ai cũng háo hức nhưng nhiều người trẻ vẫn sợ không dám bước vào hôn nhân hoặc cố tình kéo dài thời gian yêu. Một số bạn trẻ tâm sự ngại kết hôn do họ chưa tin tưởng vào hôn nhân. Họ cho rằng khi lấy nhau tình yêu sẽ phai nhạt, thay vào đó là những lo toan về cuộc sống, nảy sinh mâu thuẫn…
Hôn nhân vẫn là đích đến của đa số bạn trẻ
Hai người cùng vun vén thì sẽ vượt qua
Tâm lý ngại cưới đang trở thành hiện tượng trong không ít người trẻ. Nhiều người vì yêu mà đau khổ, không đủ bản lĩnh để bước qua khi đổ vỡ. Có người cố gắng miễn cưỡng ở bên nhau khi không còn tình yêu, ngại thay đổi, ngại trao cho mình cơ hội tìm người khác nên mãi ở một trạng thái “yêu không được, cưới cũng không xong”.
Anh N.C.H. (25 tuổi) đang làm việc tại một doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa ở huyện Cẩm Giàng chia tay người yêu cách đây hơn 1 năm. Anh H. và bạn gái từng có nhiều năm yêu nhau, cho đến khi 2 người về sống thử thì phát hiện có quá nhiều điểm trái ngược, mâu thuẫn nảy sinh. Phải mất một thời gian dài anh H. vùi mình vào công việc mới có thể nguôi ngoai đi nhưng khi nói đến hôn nhân anh kiên quyết: “Tôi sẽ sống một mình thôi. Ngã một lần, cả đời sợ đau. Để bản thân mình cũng như người khác không phải đau thêm nên ở một mình. Nếu có thể, tôi sẽ làm bố đơn thân”.
Chị Nguyễn Thị Dương, công nhân Công ty TNHH Laurelton Diamonds Việt Nam (khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương) đã trải qua hôn nhân đổ vỡ nên đến giờ không dám nghĩ đến việc có gia đình thêm lần nữa. Năm 29 tuổi chị kết hôn với một người qua sự quen biết trên một diễn đàn. Vợ chồng chị có 1 cô con gái nhưng hôn nhân cũng kết thúc sau khi tổ chức đám cưới được 1 năm. Chị Dương thừa nhận vì lúc đó chị nhiều tuổi, áp lực gia đình nên đã đưa ra quyết định vội vàng, chưa tìm hiểu kỹ đối phương. Sau khi lấy nhau, chồng chị lại là một người gia trưởng, không hỗ trợ chị việc nhà. Mỗi lần chị góp ý với chồng thì cả hai nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã. “Có lẽ tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện kết hôn, giờ chỉ mong chăm con khỏe mạnh là tốt rồi”, chị Dương nói.
Tiến sĩ tâm lý học Đồng Thị Yến, giảng viên Trường Cao đẳng Hải Dương cho biết không quá bất ngờ với tình trạng ngại cưới của nhiều người trẻ. Tâm lý chung của nhiều người trẻ là không muốn ràng buộc vào mối quan hệ gia đình. Tình yêu đến một giai đoạn nhất định sẽ nảy sinh sóng gió, khuyết điểm, nếu không có cái nhìn tích cực, vun vén từ hai phía rất dễ chia tay. Theo tiến sĩ Yến, khi yêu 2 người cần xác định đối phương là một nửa, là quan trọng tiến tới hôn nhân để cùng vượt qua khó khăn, áp lực. “Khi chưa kết hôn có thể cần nhiều đến tình yêu nhưng khi về chung một nhà thì cái cần nhiều hơn là sự bao dung, cảm thông, chia sẻ”, tiến sĩ Yến nói.
Hôn nhân chính là hạt nhân tạo lập xã hội, vì thế người trẻ cần nhìn nhận nghiêm túc khi yêu, tìm hiểu kỹ đối phương. Cùng với yêu, các bạn trẻ nên chuẩn bị những kỹ năng làm vợ, làm chồng, làm cha mẹ để bản thân không quá áp lực trong cuộc sống gia đình.
MINH NGUYỆT