Bình luận

Xung đột Gaza trở thành "phép thử" sức hút của Mỹ đối với các nước "dao động"

Theo TTXVN 31/10/2023 09:20

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách thể hiện Mỹ như một siêu cường quan tâm đến pháp quyền. Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Gaza, vốn đã chuyển sang giai đoạn mới khi Israel tăng cường các chiến dịch trên bộ trong những ngày gần đây, đang thách thức mong muốn đó.

Chú thích ảnh
Những ngôi nhà bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza, ngày 27/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Theo nhà bình luận Hugo Dixor của hãng tin Reuters, số dân thường thiệt mạng ngày càng tăng trên lãnh thổ Palestine không chỉ làm xói mòn sự ủng hộ toàn cầu đối với Israel mà còn đe doạ vị thế của Washington đối với các quốc gia đang trong thế “dao động” - đều chịu ảnh hưởng và sự theo đuổi của cả Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là khi Mỹ đang ủng hộ Israel mạnh mẽ.

Trong những ngày qua, Tổng thống Biden đã tìm cách chỉ ra sự tương đồng giữa cuộc tấn công của lực lượng Hamas nhằm vào dân thường Israel hồi đầu tháng này và chiến dịch của Nga tại Ukraine, bằng cách nói rằng cả hai đều thách thức trật tự thế giới.

Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia đang phát triển, họ không nhìn nhận như vậy. Một vài nước, trong đó có các quốc gia Arab như Saudi Arabia và những quốc gia có người đạo Hồi sinh sống chủ yếu như Indonesia, đều lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các cuộc tấn công của Israel vào lãnh thổ Palestine. Trong khi đó, Hoàng hậu Rania của Jordan cũng cáo buộc phương Tây có “tiêu chuẩn kép” vì đã chỉ trích các cuộc tấn công của lực lượng Hamas nhằm vào dân thường Israel nhưng lại chỉ tỏ ra quan ngại đối với việc người dân Palestine thiệt mạng vì Israel đánh bom.

Ngày 27/10, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu về một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo để cung cấp viện trợ ở Gaza với tỷ lệ 121 ủng hộ, 14 phiếu chống. Mỹ là một trong số ít quốc gia cùng Israel phản đối nghị quyết không ràng buộc này. Tuần trước, Washington đã phủ quyết một nghị quyết tương tự tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Điều đó đánh dấu sự tương phản với tình hình năm ngoái khi Mỹ thông qua nghị quyết liên quan đến chiến dịch của Nga tại Đại hội đồng LHQ.

Trong nhiều thập kỷ, cả Mỹ và Israel đều thể hiện sự đồng thuận khi cùng phản đối nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Nhưng nếu những cáo buộc về tiêu chuẩn kép vẫn tiếp tục xảy ra, Mỹ sẽ phải chịu thiệt hại nhiều hơn trước đây vì nước này đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng từ một Trung Quốc và Nga. Đây là thách thức mà chính Tổng thống Biden đề cập hồi tháng này khi ông cho rằng Mỹ đang đối mặt với một “điểm uốn” trong quan hệ quốc tế.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện tại, các quốc gia dao động - vốn không nghiêng hẳn ủng hộ Mỹ hay Trung Quốc - có nhiều quyền lực hơn so với thời Chiến tranh Lạnh cũ giữa phương Tây và Liên Xô. Các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Saudi Arabia và Brazil ngày càng có tầm quan trọng về mặt kinh tế. Kết quả là hiện nay tồn tại một thế giới đa cực.

Mỹ cần quan hệ tốt với các nước này một phần vì lý do quân sự nhưng chủ yếu là vì mục đích kinh tế. Trong bối cảnh đang tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào Bắc Kinh, Washington cần các nguồn nguyên liệu thô quan trọng thay thế và các nhà cung cấp hàng hóa sản xuất mới.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan giải thích nguồn sức mạnh chủ chốt của đất nước là “mạng lưới” của các liên minh trên toàn thế giới. Trong khi hầu hết các quốc gia tất nhiên sẽ xác định mối quan hệ của họ với Mỹ trên cơ sở lợi ích cá nhân, thì các giá trị vẫn đóng một vai trò quan trọng.

Chú thích ảnh
Người dân lấy nước sinh hoạt tại thành phố Khan Younis, Dải Gaza ngày 26/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc chiến Israel-Hamas đã đặt kế hoạch của Mỹ nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabiavà Israel vào thế “bế tắc”. Cuộc xung đột cũng gây ra xích mích mới giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh của NATO. Đầu tháng 10, Tổng thống Tayyip Erdogan đã nói việc Mỹ di chuyển một tàu sân bay đến gần Israel sẽ dẫn đến một vụ thảm sát ở Gaza.

Ngay cả trước khi bùng phát xung đột, Mỹ cũng không giành được sự ủng hộ của một số quốc gia như Ấn Độ và Nam Phi trong việc lên án Nga. Mỹ có thể còn gặp khó khăn hơn nữa trong việc thu hút các nước đang phát triển trong tương lai.

Đứng trước những rủi ro này, Mỹ cũng đã có những đánh giá và điều chỉnh. Đây có thể là một lý do khiến nước này ngày càng gây áp lực buộc Israel phải tuân theo “luật chiến tranh” - một loạt luật về những gì được phép và không được phép trong một cuộc xung đột - và tạo điều kiện để viện trợ nhân đạo được chuyển nhiều hơn đến người dân Palestine ở Gaza.

Tuần trước, Tổng thống Biden cũng đã nói chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về tầm quan trọng của “con đường hướng tới hòa bình lâu dài giữa người Israel và người Palestine” sau cuộc khủng hoảng.

Theo ông Mustafa Kamal Kazi - cựu Đại sứ Pakistan tại Nga và Iraq, sức ép mà Mỹ đặt lên Israel có thể thuyết phục một số nước rằng Mỹ đang theo đuổi chính sách đối ngoại dựa trên nguyên tắc trong cuộc xung đột ở Gaza. Nhưng những bên khác sẽ coi đó là quá ít, quá muộn - đặc biệt là khi Mỹ cung cấp vũ khí cho Israel và các cuộc chiến tranh kéo dài của nước này ở Afghanistan và Iraq.

Nếu viện trợ đến được Gaza với số lượng đủ để tránh một thảm họa nhân đạo tồi tệ hơn, Tổng thống Biden có thể được ghi nhận. Đạt được tiến bộ về nền hòa bình lâu dài hơn giữa người Israel và người Palestine cũng sẽ thúc đẩy lợi ích của Mỹ và đánh bóng danh tiếng của tổng thống Mỹ.

Nhưng rõ ràng đây là một kết quả khó khả thi. Thủ tướng Netanyahu phản đối giải pháp hai nhà nước. Bên cạnh đó, không rõ ai sẽ cai trị Gaza nếu Israel thành công trong mục tiêu giải tán Hamas. Khó có thể tạo ra một nhà nước khả thi ở Bờ Tây - lãnh thổ khác của người Palestine khi có quá nhiều khu định cư của Israel ở đó.

Theo TTXVN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xung đột Gaza trở thành "phép thử" sức hút của Mỹ đối với các nước "dao động"