Xuất khẩu vượt khó

07/01/2023 06:36

Giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 10.514 triệu USD, tăng 6,6% so với năm 2021. Đây là một con số khá ấn tượng trong một năm thị trường ngoài nước bất ổn.


Đối mặt với những thách thức tiềm tàng trong năm 2023, doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do

Cải thiện năng lực sản xuất

Luôn đứng trong danh sách những doanh nghiệp dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong tỉnh, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (khu công nghiệp Phúc Điền, Cẩm Giàng) vừa kết thúc năm 2022 với kết quả xuất khẩu ấn tượng. Theo số liệu từ Chi cục Hải quan Hải Dương, trong năm qua, doanh nghiệp này đã thực hiện gần 17.000 tờ khai hải quan xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hơn 960 triệu USD. So với năm 2021, tăng gần 7.000 tờ khai xuất khẩu, tăng hơn 260 triệu USD kim ngạch xuất khẩu.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài suốt hơn 2 năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội cả thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất, trong đó có Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Để giữ vững đà tăng trưởng, doanh nghiệp này đã triển khai nhiều giải pháp với mục tiêu bảo đảm nguồn cung lao động cũng như nguyên vật liệu đầu vào.

Ông Mori Shigeki, Giám đốc doanh nghiệp cho biết: “Chúng tôi đã tăng cường các chế độ phúc lợi đối với người lao động như lương, thưởng, đồng thời tìm kiếm thêm các đối tác, nhà cung cấp nguyên vật liệu nội địa. Ngoài ra, năng lực sản xuất của chúng tôi cũng được cải thiện nhờ các gói đầu tư tự động hóa dây chuyền sản xuất”.

Những ngày này, trong xưởng của Công ty TNHH May Formostar (TP Hải Dương), gần 1.000 lao động đang tất bật để bảo đảm tiến độ những đơn hàng cả cũ lẫn mới. Doanh nghiệp này chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, với 70% thị phần xuất khẩu sang 2 thị trường khó tính là Mỹ, Canada. Công ty thường xuyên cải tiến máy móc, trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của đối tác. Qua đó góp phần giúp doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2022 gần 9 triệu USD, tăng 33% so với năm 2021.

Chị Hồ Thị Hạnh, cán bộ Phòng Xuất nhập khẩu doanh nghiệp này chia sẻ: “Không thể phủ nhận những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, thậm chí ngay thời điểm này, tác động ấy vẫn khiến rất nhiều doanh nghiệp lao đao. Tuy nhiên, chúng tôi luôn xác định khó khăn, thách thức đồng thời sẽ mở ra cơ hội nếu có chiến lược đúng đắn. Bảo đảm đời sống của người lao động, đáp ứng tốt nhất yêu cầu bạn hàng, nhất là những bạn hàng từ các thị trường khó tính đã giúp chúng tôi giữ vững thị trường”.

2 doanh nghiệp trên cùng hàng nghìn doanh nghiệp xuất khẩu khác đã góp phần giúp hàng dệt may trong tỉnh đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2022 hơn 2.700 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu hàng linh kiện điện tử và máy văn phòng gần 1.800 triệu USD, tăng lần lượt gần 16% và gần 20% so với năm 2021.

Tìm kiếm đối tác mới

Theo số liệu tổng hợp từ Cục Thống kê, hết năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Hải Dương ước đạt giá trị hàng hóa xuất khẩu 10.514 triệu USD, tăng 6,6% so với năm 2021. Trong đó, thị trường Hàn Quốc chiếm 45% giá trị kim ngạch xuất khẩu, thị trường khối ASEAN chiếm trên 20%, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 17%, còn lại là thị trường Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Liên minh châu Âu (EU)... Hàng dệt may, linh kiện điện tử và máy văn phòng vẫn duy trì vị trí đứng đầu trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh.

Được biết, hầu hết các doanh nghiệp đều đồng tình rằng do có sự chỉ đạo, ứng biến nhanh nhạy và sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ Việt Nam nói chung, tỉnh Hải Dương nói riêng, các quy định đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh linh hoạt, hiệu quả liên tiếp được ban hành. Bà Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Eastech Việt Nam (khu công nghiệp Cộng Hòa, Chí Linh) chia sẻ: “Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, người dân nói chung, lao động tại các doanh nghiệp nói riêng được bảo vệ an toàn, giúp họ yên tâm làm việc, góp phần đưa kinh tế-xã hội dần hồi phục và phát triển trở lại. Theo tôi, đây là tiền đề quan trọng giúp xuất khẩu của tỉnh ghi nhận kết quả tích cực”.

Ngoài ra, những nghiệp vụ liên quan đến xuất khẩu, cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) đã có những bước tiến mới, góp phần nâng cao hiệu quả chung của hoạt động xuất nhập khẩu trong tỉnh. Năm 2022, Sở Công thương đã cấp 16.925 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các doanh nghiệp với tổng giá trị khoảng 1,7 tỷ USD, tăng gần 450 triệu USD so với năm 2021. Mọi thủ tục tiếp nhận và giải quyết thủ tục hồ sơ cho doanh nghiệp xin cấp C/O đều đúng quy trình và nhanh chóng. Trung tuần tháng 10.2022, thương nhân đề nghị cấp các loại C/O được tải mẫu C/O để chủ động trong khai báo thông tin, in mẫu theo tiêu chuẩn ISO từ hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (Bộ Công thương). Việc đổi mới có ý nghĩa lớn này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí trong công tác xin cấp C/O...

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, trước biến động mạnh từ khủng hoảng chính trị Nga-Ukraine, áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng cũng như ảnh hưởng chưa dứt từ dịch bệnh, xuất khẩu chung cả nước cũng như Hải Dương dự báo sẽ đối mặt không ít khó khăn. Để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược tăng trưởng phù hợp từng thị trường, đẩy mạnh tìm kiếm đối tác mới. Cùng với đó, tận dụng tốt lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết.

“Để làm được điều này, doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ nhân sự xuất nhập khẩu chuyên nghiệp, am hiểu các thông lệ quốc tế cũng như đặc điểm từng thị trường, từng quốc gia”, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hải Dương (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương) nhận định.

HÀ KIÊN - HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu vượt khó