11 tháng, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt gần 8,5 triệu tấn, các chuyên gia cho rằng năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam có thể đạt kỷ lục với 9 triệu tấn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, riêng tháng 11, Việt Nam xuất khẩu được 700.000 tấn gạo với 444,9 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2024 đạt gần 8,5 triệu tấn với 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng với thị phần chiếm 46,1%. Indonesia và Malaysia là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,5% và 8,2%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines tăng 59,1%, thị trường Indonesia tăng 20,2%, thị trường Malaysia tăng 2,2 lần.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,2 lần; thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Trung Quốc với mức giảm 71,3%.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có giá trị xuất khẩu gạo đạt trên 5 tỷ USD. Kết quả này có bởi giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2024 ước đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện tỷ lệ gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam là 20%, gạo trắng 70%, còn lại là gạo Japonica và nếp.
Không chỉ Việt Nam có sự tăng trưởng khá trong xuất khẩu. Thái Lan dự kiến sẽ xuất khẩu hơn 9 triệu tấn gạo trong năm 2024, trị giá hơn 6,4 tỷ USD. Thông báo của Bộ Thương mại Thái Lan nêu rõ xuất khẩu gạo tăng mạnh là nhờ các đơn đặt hàng liên tục, năng suất lúa vụ mùa tăng và chất lượng cao nhờ nguồn cung cấp nước đầy đủ để canh tác, cũng như nhu cầu cao đối với gạo thơm Thái Lan tại các thị trường trọng điểm.
Từ cuối tháng 10, sau khi Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trở lại thị trường xuất khẩu gạo đã khiến giá gạo trên thị trường châu Á đồng loạt giảm mạnh. Giá gạo 5% tấm Việt Nam cũng giảm nhẹ xuống gần 500 USD/tấn. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 11, giá gạo 5% tấm Việt Nam đã trở lại đạt từ 515 - 520 USD/tấn, duy trì mức cao nhất thế giới.
Không chỉ vậy, mặc dù sự trở lại của Ấn Độ có tác động đến gạo 5%, song gạo chất lượng cao, gạo thơm lại không chịu tác động bởi động thái của quốc gia này. Điều này giúp gạo Việt Nam duy trì vị thế trong nhóm các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
"Việt Nam đang dần tạo dựng ngành hàng lúa gạo tương đối khác biệt so với các nước. Đồng thời tập trung vào gạo thơm, gạo chất lượng cao, giảm dần gạo cấp thấp. Từ đó, hình thành dần mặt bằng thị trường với hàng hóa riêng biệt và tạo ra được giá riêng biệt", ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex cho hay.
Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Vinaseed Group đã từng chia sẻ, các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh gạo đã có sự thay đổi rất nhiều, tập trung nâng cao cơ sở hạ tầng, đổi mới công tác chế biến, bảo quản và tổ chức sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã chi hàng chục triệu USD hiện đại hóa cơ sở vật chất, mở rộng sản xuất và nâng cao năng lực chế biến, lưu trữ.
Để tự tin bước vào thị trường EU, Nhật Bản... Vinaseed đã quy hoạch từng vùng sản xuất riêng biệt, lấy tiêu chuẩn thị trường làm mục tiêu nghiên cứu để đáp ứng được ngay từ khi bắt đầu. Để xây dựng được chuỗi giá trị lúa gạo thì phải định vị được các vùng sản xuất chuyên canh, có ưu đãi về tự nhiên và tuân thủ quy trình để đạt được chất lượng gạo an toàn nhất, bà Trần Thị Liên cho biết.
Thành tựu xuất khẩu gạo Việt Nam phải kể đến sản xuất lúa gạo trong nước. Đến nay, diện tích lúa cả nước đã thu hoạch đạt 6.853.800 ha, bằng 100,1% so với cùng kỳ. Sản lượng ước trên diện tích thu hoạch đạt 42,12 triệu tấn, bằng 101,1% so với cùng kỳ, năng suất bình quân đạt 61,5 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, năm 2024, sản xuất lúa cả nước sẽ đạt trên 43 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu đa dạng cho thị trường trong nước về làm giống, chế biến, dữ trữ và an ninh lương thực thế giới.
Với những tiền đề trên cùng với cơ hội trong xuất khẩu, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, Việt Nam có thể xuất khẩu được 9 triệu tấn gạo năm 2024. Đây là kết quả của một quá trình dài ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương bền bỉ thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng, tiến tới giảm phát thải bằng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương triển khai mạnh mẽ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
“Cho đến thời điểm này, 95% giống lúa của Việt Nam là các giống lúa chất lượng cao, 89% sản lượng gạo là gạo chất lượng cao. Nếu Việt Nam thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, chắc chắn giá trị của ngành hàng lúa gạo còn tăng cao hơn nữa. Đó chính là lợi thế của quốc gia”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Trong khi chưa có thị trường tín chỉ carbon, để góp phần thành công đề án, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho rằng phải xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải, tổ chức lại thị trường nội địa, tổ chức lại xuất khẩu.
Bên cạnh đó, để từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo giảm phát thải trong đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho lúa gạo Việt Nam hướng đến đạt chuẩn chất lượng cao, phát thải thấp.