Từ ngày 1.6.2022, sẽ đình chỉ hoạt động các cơ sở ở khu dân cư, nơi đông người không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy nếu chưa thực hiện di chuyển.
Thông tin trên được nêu trong tờ trình của UBND tỉnh đề nghị ban hành nghị quyết về việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC số 27/2001/QH10 ngày 29.6.2001 có hiệu lực, trình tại Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII.
Theo tờ trình, các cơ sở thuộc diện phải xử lý gồm: các cơ sở không đáp ứng một trong các yêu cầu quy định tại điều 20 Luật PCCC số 27/2001/QH10 và các quy định hiện hành; các kho chứa, công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người nhưng không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC tới các công trình xung quanh theo quy định.
Các công trình này cần cải tạo, nâng cấp, trang bị đáp ứng yêu cầu về mặt bằng, công năng sử dụng; giao thông phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; khoảng cách an toàn về PCCC; bậc chịu lửa; lối ra thoát nạn; ngăn chặn cháy lan; trang bị phương tiện, hệ thống kỹ thuật PCCC.
Đối với các cơ sở có tính chất đặc thù như kho chứa, công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người không bảo đảm khoảng cách an toàn về PCCC, người đứng đầu cơ sở xây dựng kế hoạch, phương án di chuyển bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về PCCC được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện việc di chuyển theo kế hoạch đã được phê duyệt. UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện di chuyển các cơ sở này phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh. Trong thời gian chờ di chuyển, người đứng đầu cơ sở phải giảm trữ lượng, khối lượng tồn chứa sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm theo hướng dẫn của cơ quan PCCC có thẩm quyền; trang bị bổ sung phương tiện, hệ thống kỹ thuật PCCC theo quy định. Từ ngày 1.6.2022, các cơ sở thuộc loại hình trên chưa thực hiện di chuyển phải đình chỉ hoạt động.
DT