Chưa biết đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu và những hệ quả xấu đối với kinh tế khi nào mới chấm dứt. Chúng ta cần thích nghi với bối cảnh mới không chỉ trong lối sống mà cả cách phát triển kinh tế.
Khi dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành trên thế giới và số người nhiễm bệnh đang gia tăng trở lại trong nước, bên cạnh nỗi lo phòng chống dịch bệnh ngay trước mắt, chúng ta còn phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế. Đây là bài toán không thể giải quyết trong một sớm một chiều nên cần có những giải pháp thực hiện ngay từ bây giờ, giúp các doanh nghiệp có thể xoay xở để đi tiếp đường dài chứ không phải đợi đến lúc cần “hà hơi thổi ngạt” trong tương lai.
Trong 6 tháng đầu năm nay, dịch bệnh tuy chưa xuất hiện nhiều trong nước nhưng đã tác động xấu tới sự phát triển kinh tế. Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm, cả nước có 29.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng quý II năm 2020, khoảng 1,3 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 192.800 người so với quý I năm 2020 và tăng 221.000 người so với cùng kỳ năm trước. Không nằm ngoài tình hình chung đó, Hải Dương có gần 400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 77 doanh nghiệp giải thể, tăng lần lượt 25% và 28,3% so với cùng kỳ năm 2019. Hơn 46.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng việc làm gồm 2.615 người mất việc, 40.031 người phải ngừng việc và 3.502 người phải làm việc luân phiên.
Trong tương lai, ngay cả khi chúng ta hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh trong nước thì nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái toàn cầu, đặc biệt là của các nước vốn là thị trường xuất khẩu lớn, có doanh nghiệp đặt tại nước ta cũng như là nguồn cung nguyên vật liệu cho sản xuất trong nước. Thực tế cho thấy trong hơn 8.000 người nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp 6 tháng đầu năm ở Hải Dương thì có tới 58% số lao động làm việc ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Các doanh nghiệp dừng hoạt động, thu hẹp, giải thể khiến cho số người mất việc làm, giảm thu nhập tăng lên, về lâu dài sẽ gây khó khăn cho đời sống người dân, tạo ra những bất ổn xã hội. Vì vậy, ngoài hỗ trợ trực tiếp người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, cần có cả sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp “sống” được thì mới tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động.
Trong bối cảnh đầu tư nước ngoài có thể sụt giảm, xuất khẩu gặp khó khăn thì chúng ta cần có những hướng đi để phát triển thị trường nội địa. Có nhiều sản phẩm trước đây chỉ hướng tới xuất khẩu thì nay hoàn toàn có thể tìm cách tiêu thụ trong nước. Nhiều người sẽ không còn phải phàn nàn về chuyện đồ ngon thì xuất khẩu, đồ kém hơn tiêu thụ trong nước khiến người có nhu cầu cũng không thể mua được. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào người Việt dùng hàng Việt để hỗ trợ sản xuất trong nước; có thêm các chính sách ưu đãi khi tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Để nhận được sự ủng hộ thực tâm và lâu dài từ phía người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân.
Chưa thể biết đại dịch này sẽ kéo dài bao lâu và những hệ quả xấu đối với kinh tế toàn cầu khi nào mới chấm dứt. Chúng ta cần thích nghi với bối cảnh mới này không chỉ trong lối sống mà cả cách phát triển kinh tế. Việc tập trung mở rộng thị trường nội địa sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ vượt qua giai đoạn này mà còn đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
THÁI HÒA