Ngày 26.4, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Viện kiểm sát nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc tỉnh dự tại điểm cầu Hải Dương
Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Hà Nội), kết nối đến các điểm cầu trong toàn ngành kiểm sát nhân dân.
Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc tỉnh dự hội thảo tại điểm cầu Hải Dương.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là chủ trương đúng đắn của Đảng, là nguyện vọng, sự lựa chọn của nhân dân, là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện hiện nay. Một trong những nội dung quan trọng của xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cải cách tư pháp và trong đó có đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, qua đánh giá kết quả sau hơn 15 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, công tác cải cách tư pháp ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, phục vụ đắc lực cho sự phát triển đất nước, nhất là trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác cải cách tư pháp thời gian qua vẫn còn có những hạn chế và bất cập; do đó, nhiệm vụ xây dựng nền tư pháp Việt Nam nói chung, trong đó xây dựng Viện Kiểm sát nhân dân “Chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” vừa là yêu cầu cấp bách vừa là mục tiêu, nhiệm vụ lâu dài của cải cách tư pháp.
Nhằm hoàn thiện những luận cứ khoa học, thực tiễn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Hội thảo khoa học để trao đổi, thảo luận, đề xuất các vấn đề cốt lõi, vấn đề mới, đột phá trong cải cách tư pháp; về vai trò, vị trí và chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước, kiểm soát quyền lực tư pháp; về tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, các bài tham luận được đầu tư công phu, với nội dung phong phú, đề cập nhiều vấn đề mới, đột phá về Viện Kiểm sát nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, cải cách tư pháp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều văn kiện, nghị quyết đề ra chủ trương cải cách tư pháp; Quốc hội đã thể chế hóa quy định trong Hiến pháp và các đạo luật.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, trình bày các tham luận về các chủ đề gồm: Sự ra đời của Viện Kiểm sát nhân dân nhìn dưới góc độ triết học và quan điểm, giải pháp tiếp tục hoàn thiện, đổi mới Viện Kiểm sát nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hội thảo cũng nghe các tham luận khác về vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước, kiểm soát quyền lực tư pháp - Thực trạng và yêu cầu, giải pháp tăng cường; chức năng thực hành quyền công tố của Viện Kiểm sát nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
TTXVN - PV