Xây dựng các "kịch bản" tiêu thụ nông sản ứng phó tình hình dịch bệnh

10/03/2021 06:57

Ngành nông nghiệp của Hải Dương vừa trải qua giai đoạn khó khăn hiếm có khi khâu tiêu thụ nông sản (NS) bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Dịch bệnh ập đến bất ngờ làm các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nông dân trong tỉnh rơi vào thế bị động. Vốn là vựa NS của miền Bắc nên thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh lại càng nặng nề. Thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp nên Hải Dương cần xây dựng các "kịch bản" sản xuất và tiêu thụ NS để chủ động ứng phó.

Khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 1, Hải Dương có khoảng 130.000 tấn NS cần tiêu thụ. Tuy nhiên, do các tỉnh, thành phố giáp ranh kiểm soát gắt gao việc ra vào vùng có dịch và tâm lý e ngại của người mua hàng nên NS của tỉnh bị dồn ứ. Nhiều diện tích rau màu bị quá lứa; gia cầm, thủy sản đến kỳ xuất bán vẫn phải chờ thương lái; những đơn hàng xuất khẩu nằm im trong kho lạnh. Nông dân, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa, nguy cơ thua lỗ hiện hữu. Để khắc phục, ngoài sự nỗ lực của chính quyền và cơ quan chuyên môn thì nhiều tổ chức, cá nhân cũng chung tay góp sức, hỗ trợ Hải Dương tiêu thụ NS nhằm giảm bớt thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Mặc dù vậy, đây chỉ là giải pháp tình thế trong tình hình cấp bách. Về lâu dài, tỉnh không thể trông mong vào lòng hảo tâm mà phải xây dựng kế hoạch tiêu thụ NS cụ thể trong điều kiện dịch Covid-19 có thể kéo dài.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 3, khả năng cung ứng lương thực, thực phẩm vẫn vượt xa so với nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh. Dự kiến tỉnh dư thừa 100.000 tấn rau củ quả; 15.000 tấn thịt gia súc, gia cầm và 18.000 tấn cá. Sau ngày 2.3, Hải Dương không còn giãn cách xã hội toàn tỉnh mà chuyển sang thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương khác đã nới lỏng việc kiểm soát song vận chuyển, tiêu thụ NS cũng không thể thuận lợi như khi chưa có dịch. NS là hàng hóa đặc thù, bị chi phối bởi tính mùa vụ nên nếu không được tiêu thụ đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, giá bán. Vì thế, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần ráo riết, tích cực hơn nữa để NS của tỉnh có thể thông thương thuận lợi, nhất là khi vụ vải, nhãn đang tới gần mà theo đánh giá thì loại NS chủ lực này năm nay sẽ được mùa. Việc chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm đầu ra cho vải, nhãn cần được triển khai sớm.

Những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ NS của tỉnh bị “đóng băng” trong thời gian qua là bài học thực tiễn quý báu để Hải Dương có thể lường trước được khó khăn sắp tới. Từ đó, lên phương án ứng phó phù hợp, kịp thời, hạn chế tối đa việc ách tắc trong vận chuyển, lưu thông. Tỉnh cần xác định thị trường chính để sớm bàn bạc, thống nhất biện pháp thu mua, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ. Tính toán những khả năng có thể xảy ra như thời điểm thu hoạch NS, tỉnh đang là tâm dịch hay địa bàn tiêu thụ chủ yếu đang có dịch… Tất cả tình huống đều phải có giải pháp ứng phó chặt chẽ, khoa học, vừa giúp NS tiêu thụ thuận lợi vừa bảo đảm các quy định về phòng chống dịch.

Không chỉ nông nghiệp mà các ngành kinh tế khác cũng đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Song đây là lĩnh vực dễ thiệt hại nên cần có "kịch bản" ứng phó ngay từ đầu, nhất là  khâu tiêu thụ. Có như vậy, Hải Dương mới có thể giành thắng lợi toàn diện khi thực hiện mục tiêu kép.

HOÀNG LINH (Thanh Hà)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng các "kịch bản" tiêu thụ nông sản ứng phó tình hình dịch bệnh