Xanh trong nắng ấm Ba Đình

02/09/2021 11:14

Những ngày thu lịch sử này lòng chúng ta luôn hướng về Hà Nội - Thủ đô của cả nước, hướng về Quảng trường Ba Đình lịch sử. Và sắc nắng Ba Đình hôm nay gửi gắm có cả tình người, lan tỏa niềm hy vọng, hướng tới một tương lai tươi đẹp sau những tháng ngày chiến đấu với đại dịch Covid-19.


Lễ thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình

Mùa thu là một trong những mùa đẹp nhất trong năm và mùa thu Hà Nội là đẹp nhất, tươi nhất, quyến rũ nhất với nắng ấm Ba Đình. “Người về đem tới ngày vui/Mùa thu nắng tỏa Ba Đình...”. Đó là câu hát “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của cố nhạc sĩ Văn Cao. 76 năm trôi qua, nắng lung linh trên Quảng trường Ba Đình lịch sử làm xao xuyến những con tim gợi nhớ về ngày mùa thu 2.9.1945 - nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Ba Đình là tên gọi một căn cứ chống thực dân Pháp nổi tiếng ở Thanh Hóa trong thời kỳ 1885-1888 đã được đặt tên cho Quảng trường Ba Đình. Ngày đó, một lễ đài cao bằng gỗ căng vải đỏ vươn lên như một đài hoa chiến thắng. Nhân dân Hà Nội và các tỉnh đã nườm nượp về đây dự ngày hội lớn cuồn cuộn như một đại dương dậy sóng, sóng người và sóng cờ. Trong ký ức mọi người ngày ấy còn nguyên vẹn hình ảnh vị Chủ tịch nước xuất hiện thật giản dị và thân thiết gần gũi biết bao. Lời nói của Bác đầm ấm khúc chiết rõ ràng, từng câu từng chữ thấm vào lòng người.

Nhà thơ Tố Hữu trong trường ca “Theo chân Bác” đã khắc họa hình ảnh Bác Hồ bằng những câu thơ xúc động tha thiết ân tình: “Người đọc Tuyên ngôn… Rồi chợt hỏi:/Đồng bào nghe tôi nói rõ không/Ôi câu hỏi hơn một lời kêu gọi/Rất đơn sơ mà ấm bao lòng”. Có lẽ không khí hào hùng của những ngày thu lịch sử ấy là nguồn cảm xúc bất tận và say đắm truyền cho nhạc sĩ Bùi Công Kỳ viết thành công ca khúc cách mạng nổi tiếng “Ba Đình nắng” phổ thơ của Vũ Hoàng Địch, mà khi cất lên ai cũng thấy rạo rực, ngỡ như mình đang hòa dòng người bước đi rầm rập dưới nắng thu vàng, với gió thu lồng lộng để lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời trong xanh. Đó là âm vang náo nức giai điệu với lời ca phơi phới lòng người: “Gió vút lên ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới/Gió vút lên đây bao nguồn sống mới dạt dào/Tôi về đây, lắng nghe bao tiếng gọi/Của mùa thu cách mạng, mùa vàng sao".

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, sức mạnh của dân tộc ta với ý thức độc lập, đoàn kết để giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là nền tảng vững chắc đúc kết nên những bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ của đất nước qua từng giai đoạn. Trong cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lược bảo vệ nền độc lập của dân tộc ở thế kỷ XI trước sức mạnh đồng tâm, đồng lòng, khí thế đánh giặc ngút trời của dân Đại Việt, danh tướng Lý Thường Kiệt đã hào sảng viết bài thơ “Nam quốc sơn hà”. Đây được xem như bản Tuyên ngôn độp lập đầu tiên khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất nước. Bài “Bình Ngô đại cáo” do Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi soạn thảo và tuyên đọc sau cuộc chiến đấu trường kỳ chống quân Minh xâm lược, khôi phục nền độc lập dân tộc, chủ quyền của đất nước ở thế kỷ XV được xem như bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai. Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn Đảng, toàn dân soạn thảo và đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945 là tuyên ngôn thứ ba.

Tuyên ngôn độc lập này kế thừa những tinh hoa của hai bản tuyên ngôn độc lập trước đây, đó là nhấn mạnh hơn nữa quyền làm chủ đất nước và bảo vệ chủ quyền đất nước của nhân dân mới giành lại được qua cuộc đấu tranh gian khổ, hy sinh anh dũng của toàn dân tộc. Chúng ta vẫn còn nghe âm vang sang sảng giọng nói tuyên bố khẳng định của Bác Hồ: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Sau này Bác đã đúc kết thành một chân lý thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Ngày Quốc khánh 2.9.1945 từ lâu đã trở thành Tết Độc lập, đồng bào các dân tộc chọn ngày này làm hội vui của các bản làng. Đó là ngày hội kết đoàn chung sức, đồng lòng đưa ánh sáng ấm no đến với các bản làng heo hút.

Có thể nói ngày khai sinh cho đất nước chính là khai sinh cho mỗi người, cho mỗi thế hệ. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam là sức mạnh nguồn cội, một cội nguồn văn hóa lâu đời bền vững đã từng khẳng định: “Nam quốc sơn hà, nam đế cư” (Lý Thường Kiệt); hay “Xã tắc từ đây vững bền/Giang sơn từ đây đổi mới” (Nguyễn Trãi). Và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh-vị anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa lớn đã khẳng định vị thế dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập…”. 

Những ngày thu lịch sử này lòng chúng ta luôn hướng về Thủ đô Hà Nội, hướng về Quảng trường Ba Đình lịch sử nơi đó có Lăng Bác như một đài hoa bất tử. Hà Nội những ngày này cũng như cả nước đang căng mình bước vào một trận chiến mới cam go và ác liệt chưa từng có trong tiền lệ - đó là đẩy lùi dịch Covid-19. Cuộc chiến này có thể hy sinh, mất mát nhưng toàn dân tộc quyết đoàn kết, đồng lòng chiến thắng. 

NGUYỄN NGỌC PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xanh trong nắng ấm Ba Đình