Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) đang phát huy tác dụng. Nhiều xã trong tỉnh đã đạt chuẩn NTM. Các huyện Kinh Môn, Cẩm Giàng đã thành huyện NTM.
Diện mạo, chất lượng cuộc sống ở những nơi đã đạt chuẩn NTM có nhiều thay đổi.
Nói đến làng quê xưa là ta nhớ đến hình ảnh của sự nghèo nàn, đói khổ, lạc hậu như ao tù nước đọng, mái rạ, vách đất, sân đất, những con đường tối tăm, lầy lội. Rửa mặt, giặt giũ... tất tật đều chung ở một cái ao. Người quê quanh năm mặc manh áo rách vá chằng vá đụp. Những bữa cơm độn khoai, sắn mà vẫn không được no. Những đêm ngủ không màn, muỗi đốt chi chít trên mặt trông như lên sởi. Rét thì nằm ổ rạ ổ rơm, đắp chiếu... Không thể kể hết cái khổ của làng quê xưa.
Làng quê NTM với điện, đường, trường, trạm khang trang làm cho bộ mặt làng xóm đẹp hẳn lên. Không những thế các gia đình đang đua nhau bỏ nhà ngói, làm nhà cao tầng. Rồi xây bờ tường, xây cổng rộng để ô tô vào được trong sân... Vì thế ao chuôm trong làng đã bị lấp gần hết. Giếng làng nhiều nơi cũng bị lấp để lấy đất làm nhà. Bờ tre làng, những bụi tre óng ả râm mát cũng bị chặt phá hết. Hình ảnh "Bóng tre trùm mát rượi" nay hầu như không tìm thấy, nhất là ở những làng đang đô thị hóa. Cây cổ thụ hàng một vài trăm tuổi bị đốn hạ. Chỉ có bê tông và bê tông. Đường làng ngõ xóm bằng bê tông. Nhà ở và các công trình công cộng như trường học, hội trường... đều bê tông hóa. Bờ tường bao quanh đất ở cũng là bê tông cốt thép. Nhiều nhà sân, nền cũng đổ bê tông nốt. Chính vì thế mà mùa hè vô cùng nóng. Cái nóng của ánh nắng trời dội xuống cộng hưởng với nóng từ đường mái bằng, sân bê tông hắt lên... Nhiều nhà để quạt và điều hòa cả ngày vẫn nóng, vẫn ngột ngạt.
Chúng ta không thể chấp nhận cái khổ cực bẩn thỉu của làng quê xưa. Chúng ta cũng không thể cam chịu cái nóng của làng quê nay. Vậy làm thế nào? Có lẽ xây dựng một làng quê xanh là câu trả lời duy nhất đúng.
Trước hết các làng cần bảo vệ được những cây cổ thụ. Cây cổ thụ vừa là bóng mát, vừa là chứng nhân cho những sự kiện của làng. Các huyện nên có cuộc khảo sát chung trên địa bàn. Những cây nào từ 100 tuổi trở lên thì cấp giấy chứng nhận "cây di sản". Sau đó giao cho địa phương có kế hoạch chăm lo, bảo vệ. Chỉ cần mỗi làng giữ được vài "cây di sản" thì toàn huyện đã đẹp lắm rồi.
Hai là huyện nên định hướng cho các làng xã trồng cây lâu năm. Xưa ông cha ta hay trồng đa, đề, muỗm, bàng ở nơi công cộng. Nay ta vẫn trồng các loại cây đó và thêm một số cây khác như phượng vĩ, bằng lăng. Đặc biệt là cây gạo. Cây gạo mọc vút lên, sẽ là cây cao nhất làng. Mùa xuân từ cuối tháng giêng đến hết tháng hai, gạo nở hoa đỏ rực trời. Nếu cả huyện có ý thức trồng lấy trăm cây gạo thì vô cùng ấn tượng, thu hút khách du lịch. TP Hải Phòng có rất nhiều cây hoa phượng nên có tên gọi "Thành phố hoa phượng đỏ". Tại sao ta không nghĩ đến "Huyện hoa gạo đỏ" hay "Huyện bằng lăng tím"?
Ba là vận động các hộ làm bờ dậu xanh, bờ tường xanh cùng những mái cổng, vòm cổng xanh thay cho xi măng, cốt thép. Chỉ cần đóng cọc, căng dây thép rồi trồng cây râm bụt, cúc tần, ruối... cây lớn lên ta cắt xén là thành bờ dậu xanh vững chãi, súc vật cũng không chui qua được. Hai bên cổng trồng cây hoa giấy hoặc hoa móng rồng rồi uốn vòm hoặc trùm lên mái ngói, vừa đẹp, vừa mát. Với những bờ tường xây thì mua loại cây chuyên sống bám vào vôi, xi măng trồng bên. Cây phát triển rất nhanh phủ kín tường làm giảm cơn nóng đi rất nhiều.
Rồi có thể trồng hoa và dọn sạch rác ở các đường, ngõ. Việc này một số nơi đã làm nhưng mới ở một vài đoạn đường chính. Tục ngữ có câu "nhà sạch thì mát". Vậy làng sạch cũng mát lắm chứ.
Những biện pháp nêu trên ai cũng làm được và không tốn kém gì. Chỉ cần có sự chỉ đạo và vận động, mọi người cùng làm sẽ thành công thôi. Ta hãy tưởng tượng mùa xuân, có một làng đỏ rực màu hoa gạo. Vào trong làng rất sạch sẽ, tất cả đều là bờ dậu xanh, bờ tường xanh, rồi những con đường rực rỡ sắc hoa... Đó mới là một ngôi làng nông thôn mới đáng sống.
VĂN DUY