Nông nghiệp - Nông thôn

Xã loay hoay tìm sản phẩm OCOP

TRẦN HIỀN 27/08/2023 06:00

Một số địa phương trong tỉnh dù có lợi thế phát triển nông nghiệp hay không thì vẫn đang gặp khó khăn trong lựa chọn sản phẩm chủ lực có tiềm năng, thế mạnh để tham gia chương trình OCOP.

2023258_sanphamocop1.jpg
Sau nhiều lần lựa chọn, gà thảo dược của xã Cẩm Hoàng được đánh giá là sản phẩm có nhiều tiềm năng để phát triển nếu được chứng nhận OCOP

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã phát huy giá trị, giúp nâng cao vị trí nông sản chủ lực của nhiều địa phương song hiện nhiều xã vẫn đang loay hoay để xây dựng sản phẩm OCOP.

Phân vân chọn lựa

Cẩm Hoàng là một trong những địa phương có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp của huyện Cẩm Giàng. Xã có vùng chăn nuôi thủy sản tập trung rộng lớn với đa dạng vật nuôi từ các loại cá truyền thống, chạch bùn, gà… Ngoài ra, địa phương còn phát triển nhiều nghề tiểu thủ công nghiệp khác. Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao từ năm 2021 song đến nay vẫn chưa lựa chọn được sản phẩm để xây dựng OCOP.

Trước đây, xã Cẩm Hoàng đưa ra phương án lựa chọn giữa cá chạch sụn, rượu và giò lụa của một số hộ kinh doanh, sản xuất để xây dựng sản phẩm OCOP. Đây đều là các sản phẩm chất lượng cao của địa phương. Tuy nhiên, sau nhiều lần họp bàn, lãnh đạo xã đánh giá các sản phẩm này nhỏ lẻ, mang tính thời vụ và ít có khả năng phát triển. Năm 2023, Cẩm Hoàng quyết định lựa chọn gà thảo dược làm sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương. Mô hình nuôi gà thảo dược mới phát triển ở địa phương khoảng 1 năm nay nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

2023258_sanphamocop2.jpg
Xã Đại Sơn đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị công nhận thỏ New Zealand trở thành sản phẩm OCOP của địa phương

Có lợi thế trong phát triển nông nghiệp nhưng xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) cũng đang loay hoay khi lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Với thế mạnh là địa phương nuôi ba ba gai nhiều nhất tỉnh, năm 2020, xã đã lựa chọn sản phẩm này để đăng ký chương trình OCOP nhưng chưa thành công. Nguyên nhân do ba ba gai thuộc nhóm động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB. Mãi đến đầu tháng 8.2023, các hộ nuôi ba ba gai ở xã Đại Sơn mới được Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp mã số cơ sở nuôi động vật và được phép kinh doanh, mua bán.

Ông Nguyễn Tiếp Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong nhiệm kỳ này, xã không thể thiếu sản phẩm OCOP. Vì vậy, ngoài ba ba gai, Đại Sơn còn chọn thêm thỏ New Zealand của Hợp tác xã Đại Dương đăng ký đạt sản phẩm OCOP năm nay. "Ba ba gai và thỏ New Zealand đều là 2 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương cho giá trị kinh tế cao. Dù vậy, việc sản phẩm có đạt chứng nhận OCOP hay không thì phải chờ tới cuối năm", ông Tiệp cho biết.

Trên thực tế không phải xã nào cũng có lợi thế phát triển nông nghiệp như Đại Sơn và Cẩm Hoàng. Một số địa phương trong tỉnh không có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp hoặc sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Diện tích sản xuất manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô, tính độc đáo, khả năng áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, khả năng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định lâu dài. Những địa phương này rất khó xác định sản phẩm chủ lực có tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP.

Phải có lợi thế để phát triển

OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị. Sau hơn 4 năm triển khai, toàn tỉnh hiện có 138 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 94 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đang đề nghị 5 sao. Trong giai đoạn hiện nay, việc có sản phẩm OCOP càng quan trọng bởi đây là chỉ tiêu không thể thiếu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Do vậy, số lượng sản phẩm OCOP sẽ tăng nhanh theo từng năm.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hoàng chia sẻ: “Mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương là phải có tiềm năng để phát triển. Con gà thảo dược được đánh giá là phù hợp nhất. Hiện sản phẩm này vẫn còn rất mới, nhưng sau này khi đã đạt chứng nhận OCOP, các hộ chăn nuôi theo đúng quy trình sẽ dần xây dựng được chỗ đứng trên thị trường. Khi ấy, nhắc tới sản phẩm gà thảo dược người tiêu dùng sẽ nhớ tới xã Cẩm Hoàng”.

Phải có tiềm năng để phát triển là một trong những tiêu chí quan trọng của sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, trên thực tế một số sản phẩm OCOP hiện nay khó có thể phát triển cả về số lượng và chất lượng. Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn, hiện không ít địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm sẵn có nhưng không có lợi thế để phát triển.

Để xây dựng được sản phẩm OCOP chất lượng thì địa phương phải lựa chọn được sản phẩm có tính đặc trưng, độc đáo và bảo đảm chất lượng, quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền các hộ sản xuất, kinh doanh có sản phẩm đăng ký quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Chính quyền địa phương từ huyện đến tỉnh cần linh hoạt lồng ghép các nguồn lực, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng, lập hồ sơ, phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trao đổi, thông tin kết nối với các thị trường ngoài tỉnh để phát huy giá trị của chương trình OCOP mang lại.

TRẦN HIỀN
(0) Bình luận
Xã loay hoay tìm sản phẩm OCOP