[Audio] Lãng phí tiềm năng sản phẩm OCOP

15/07/2023 06:00

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn quan trọng, nhưng nhiều sản phẩm OCOP của Hải Dương chưa phát huy thế mạnh.

00:00



Nhiều chủ thể là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu tiềm lực kinh tế nên gặp khó trong việc mở rộng đầu tư và phát triển thị trường tiêu thụ

Hiện nay, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của các địa phương ở Hải Dương vẫn còn không ít khó khăn, cần sớm được khắc phục nếu không sẽ lãng phí, không phát huy được hiệu quả.

Chưa phát huy thế mạnh

Năm 2022, Công ty CP Công nghệ thảo dược GREEN ASIA ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) có đến 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đây là các sản phẩm thuộc nhóm dược, mỹ phẩm duy nhất của tỉnh. Các sản phẩm này được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển do có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với người dùng. Dù vậy, đến nay sản phẩm chưa tìm được thị trường tiêu thụ tốt. 

Bà Phạm Thị Thúy Vân, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Công nghệ thảo dược GREEN ASIA chia sẻ: “Dù tham gia nhiều chương trình hội chợ ở các tỉnh, thành phố nhưng đơn vị không thu được kết quả như mong muốn. Hiện tất cả 5 sản phẩm OCOP phải dừng sản xuất do không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Để duy trì hoạt động, công ty buộc phải sản xuất hàng gia công cho các doanh nghiệp khác”.

Chưa phát huy thế mạnh, chưa nhận diện được thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường là tình trạng chung của nhiều sản phẩm OCOP hiện nay. Củ đậu Đồng Gia cũng là ví dụ. Là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của xã Đồng Cẩm (Kim Thành) nhưng mãi tới năm 2022, củ đậu mới đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Theo ông Nguyễn Đăng Bậc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đồng Gia, khó khăn lớn nhất là việc quản lý chất lượng sản phẩm. Dù đã xây dựng được quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng do số hộ sản xuất đông, nhỏ lẻ nên khó kiểm soát khâu sản xuất theo quy trình. Hiện xã Đồng Cẩm có gần 100 ha trồng củ đậu với khoảng 300 hộ tham gia sản xuất. HTX và chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho người dân và các thành viên HTX biết sản phẩm củ đậu đã đạt chứng nhận OCOP nhưng một số hộ vẫn chưa thực sự quan tâm và chú trọng thực hiện quy trình sản xuất. Được tỉnh hỗ trợ tem mác và chứng nhận OCOP nhưng sản phẩm vẫn bán tự do và phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Do chưa xây dựng được chuỗi liên kết nên việc sản phẩm đạt được chứng nhận OCOP chưa có sự khác biệt so với lúc chưa đạt.

Toàn tỉnh hiện có 138 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 94 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đang đề nghị 5 sao. Số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh theo từng năm, nhưng chưa bền vững. Một số địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành từ trước, trong đó có sản phẩm không có lợi thế để phát triển, chủ thể chưa chủ động tham gia chương trình. Hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, quản lý chất lượng, tiêu chuẩn còn hạn chế...


Công ty CP Công nghệ thảo dược GREEN ASIA phải tạm dừng sản xuất các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP do không tiêu thụ được. Đơn vị chuyển sang sản xuất gia công các sản phẩm của doanh nghiệp khác  

Ảnh: Thúy Vân

Phải liên kết để phát triển

OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát huy nội lực, giá trị giá tăng. 

Hiện nhiều sản phẩm OCOP do các chủ thể là công ty nhỏ, HTX hoặc nhóm hộ sản xuất nên quy mô, tiềm lực kinh tế không mạnh, việc đầu tư, hoàn thiện quy trình đánh giá gặp khó khăn. Có cơ sở đã sản xuất được hàng hóa, bán chạy trên thị trường nhưng không quan tâm tới việc hoàn thiện quy trình để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đánh giá và công nhận. Một số chủ thể chưa nhìn nhận được lợi ích khi sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt OCOP. Việc hỗ trợ liên kết vẫn còn nhiều hạn chế nên nhiều sản phẩm chưa phát huy được giá trị.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, giai đoạn 2020-2022, UBND tỉnh đã hỗ trợ 9 tỷ đồng cho 15 mô hình liên kết sản phẩm OCOP trên địa bàn Hải Dương. Các sản phẩm được hỗ trợ gồm nhiều loại nông sản như cải bắp, cà rốt, dưa lưới, ổi, gạo bãi rươi, cam Thất Hùng, gạo nếp cái hoa vàng, vải thiều, bột sắn dây… Các chương trình liên kết đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn. Từ đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa. Tuy nhiên, việc hỗ trợ mới tập trung vào tư vấn, xây dựng kế hoạch liên kết và hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác, chưa triển khai hỗ trợ cơ sở hạ tầng, mô hình khuyến nông, chuyển giao khoa học, kỹ thuật... Đây là một trong những hạn chế lớn trong xây dựng chuỗi liên kết do hạn chế về kinh phí hỗ trợ. 

Để nâng cao hiệu quả chương trình OCOP, ngoài hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ mẫu mã bao bì để xây dựng thương hiệu sản phẩm thì việc quảng bá, hỗ trợ xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm cũng cần được đẩy mạnh.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Lãng phí tiềm năng sản phẩm OCOP