Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Bảo vệ sức khỏe người dân

14/11/2018 08:50

Việc luật hóa công tác phòng chống tác hại của rượu bia là giải pháp toàn diện, đầy đủ và mạnh mẽ, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.


Rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều loại bệnh. Trong ảnh: Chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân loạn thần do rượu tại Bệnh viện Tâm thần Hải Dương 

Tình trạng lạm dụng rượu bia đang ở mức báo động, gây ra những tác hại về sức khỏe và nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác. Gánh nặng này sẽ ngày càng tăng nếu Nhà nước không có chính sách, pháp luật phù hợp. Việc luật hóa công tác phòng chống tác hại của rượu bia là giải pháp toàn diện, đầy đủ và mạnh mẽ, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng. 

Siết chặt quản lý 

Dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế soạn thảo gồm 6 chương và 22 điều. Dự án luật không cấm uống rượu bia mà chỉ hạn chế sử dụng ở mức độ có hại, phòng chống tác hại. 

Trước đó, việc phòng chống tác hại của rượu bia được thực hiện theo Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12.2.2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của đồ uống có cồn đến năm2020 và Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14.9.2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu. Thực hiện Nghị định số 105/NĐ-CP/2017, Sở Y tế đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu bia cho 34 cơ sở, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và hợp quy cho 53 sản phẩm rượu bia. Toàn tỉnh có 4 cơ sở sản xuất rượu bia quy mô công nghiệp, còn lại chủ yếu là các hộ nấu rượu thủ công quy mô nhỏ lẻ tự tiêu thụ trong dân cư. Các cơ quan chuyên môn của tuyến huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ thuộc địa bàn quản lý. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh được giao nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, công bố hợp quy trong sản xuất, kinh doanh rượu bia cũng như phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, lực lượng còn mỏng nên việc kiểm tra, giám sát các cơ sở gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Sở Công thương, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) đã kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trong tỉnh. Kết quả, 8 trong tổng số 9 cơ sở không có giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu theo quy định. 5 trong 6 cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu dùng trong chế biến. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã xử lý vi phạm hành chính đối với 1 cơ sở có mẫu rượu không đạt quy chuẩn về hàm lượng methanol và tiêu hủy 1.000 lít rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đưa ra các biện pháp giảm mức tiêu thụ và kiểm soát việc cung cấp rượu bia. Trong đó, có một số điểm đáng lưu ý như quy định các trường hợp không được uống rượu bia; quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công; bảo đảm chất lượng, an toàn đối với rượu bia; địa điểm, phương thức, thời gian không được bán. Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, khi luật được ban hành và có hiệu lực sẽ giúp siết chặt việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu bia. 

Hạn chế lạm dụng 

Những chính sách, pháp luật hiện hành chủ yếu quy định về sản xuất, kinh doanh rượu bia mà chưa đề cập nhiều đến phòng chống tác hại của rượu bia. Đây là loại đồ uống đã và đang gây ra các tổn hại to lớn cho bản thân người sử dụng cũng như toàn xã hội. Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), trung bình một người từ 16-65 tuổi tiêu thụ 5,7 lít cồn nguyên chất trong 6 tháng. Tỷ lệ sử dụng rượu bia ở mức có hại đạt cao. Rượu bia không có ngưỡng an toàn đối với sức khỏe của người sử dụng, đồng thời là nguyên nhân gây ra 30 mã bệnh tật và là nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh tật theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đặc biệt, rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông. Mỗi năm nước ta có 15.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó có khoảng 4.800 trường hợp có liên quan đến rượu bia. Bên cạnh đó, rượu bia còn là mầm mống, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, mất trật tự an ninh, an toàn xã hội... Sử dụng nhiều rượu bia gây ra gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội do các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động... 

Trong những bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hải Dương, có khoảng 18-20% số người bị rối loạn tâm lý, loạn thần do rượu bia. Theo bác sĩ Vũ Đình Cảnh, Trưởng Khoa 3 (Bệnh viện Tâm thần Hải Dương), một số bệnh nhân phải nhập viện điều trị nhưng khi trở về cộng đồng một thời gian lại phải quay trở lại bệnh viện, thậm chí quay lại nhiều lần. Dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đưa ra các biện pháp giảm tác hại của loại đồ uống này như kiểm soát rượu bia bảo đảm an toàn giao thông; điều trị, phục hồi chức năng cho người nghiện rượu bia; chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng khác bị ảnh hưởng của rượu bia. Thông qua luật này, các chính sách, pháp luật về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia cũng sẽ được tuyên truyền, phổ biến cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, làm thay đổi hành vi.   

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Bảo vệ sức khỏe người dân