Của cho không bằng cách cho

17/03/2019 19:11

Nguyễn Văn Quân luôn tâm niệm, cho để làm sao người nhận không cảm thấy bị tủi thân, bị bỏ rơi vì ai cũng có lòng tự trọng. Vì thế, phải làm từ tâm và chân thành.


Anh Nguyễn Văn Quân tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn ở xã Đồng Lạc (Nam Sách)

Trải qua tuổi thơ cơ cực nên khi thành đạt, anh Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Công ty CP Bất động sản Smartland (TP Hải Dương) rất thấu hiểu sự khó khăn của những người kém may mắn. Vì thế, anh đã dành nhiều công sức để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Từ thấu hiểu...

Anh Quân sinh năm 1984, quê ở xã Thanh Khê (Thanh Hà). Bố mất từ khi anh còn nhỏ. Sau vài năm, mẹ đưa anh lên vùng đất đồi Chí Linh làm kinh tế. Hai mẹ con nương tựa vào nhau sống qua những năm tháng khó khăn. Là con trai duy nhất nên anh được miễn đi nghĩa vụ quân sự nhưng anh đã 3 lần tự nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Do hoàn cảnh khó khăn, không có tiền ăn học đến nơi đến chốn nên anh muốn đi bộ đội để có cơ hội học hành, trưởng thành hơn. Thời gian trong quân ngũ, anh luôn chấp hành tốt kỷ luật quân đội, được cấp trên yêu mến, tạo điều kiện để phát huy năng lực, trở thành quân nhân chuyên nghiệp. Khoảng 8 năm sau, anh nhận thấy môi trường quân đội không phù hợp với bản thân nên xin nghỉ ra ngoài làm kinh tế. Anh học thêm tiếng Hàn, mở lớp dạy tiếng Hàn được vài năm sau thì anh chuyển sang kinh doanh bất động sản.

Đến nay, công việc của anh cơ bản ổn định, công ty tạo việc làm cho nhiều lao động. Khi có điều kiện kinh tế, anh nghĩ ngay đến việc làm từ thiện. "Nếu có 10 phần thì tôi sẽ dành từ 3-4 phần cho hoạt động thiện nguyện", anh Quân nói. Vì từng có thời gian khó khăn nên anh hiểu những gì mà họ đang phải trải qua. Đó chính là sự đồng cảm, thấu hiểu cần có trong mỗi con người đam mê làm việc thiện.

...đến chia sẻ

Anh Quân đã giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Anh nhớ mãi một kỷ niệm trong dịp Tết năm 2012, anh và một người bạn lên thăm cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Năm ấy trời rét cắt da cắt thịt đến trâu, bò còn chết. Thế mà trẻ em ở đây không có quần áo để mặc. Những đôi chân trần trên đất, những đứa trẻ nhem nhuốc, thiếu thốn ấy cứ ám ảnh anh mãi. Trong túi có bao nhiêu tiền, anh và người bạn kia đều bỏ ra hết để giúp đỡ các em. Sau khi về nhà, anh quyết tâm làm từ thiện thường xuyên hơn. Từ đó đến nay, mỗi năm anh cùng vài người bạn tổ chức từ 2-3 lần lên các tỉnh Yên Bái, Hà Giang... để thăm, tặng quà cho trẻ em nghèo.

Ở trong tỉnh, anh tự đi làm từ thiện. Có những chuyến anh đi một mình, có chuyến gồm cả vợ và con cái. Riêng dịp Tết vừa rồi, anh làm từ thiện ở 4 điểm, gồm: Tặng quà cho bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phong Chí Linh, người có hoàn cảnh khó khăn ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) và xã Đồng Lạc (Nam Sách) với trị giá gần 100 triệu đồng.

Đã 6 năm nay, mỗi năm anh Quân đều dành khoảng 100 triệu đồng để giúp đỡ những hoàn cảnh thiếu may mắn. Là một người luôn nhớ về nguồn cội nên gần đây năm nào anh cũng hỗ trợ kinh phí cho quê hương xã Thanh Khê để làm đường giao thông, xây dựng chùa, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ. "Phải đến những nơi thực sự cần và quan trọng hơn là của cho không bằng cách cho. Cho để làm sao người nhận không cảm thấy bị tủi thân, bị bỏ rơi vì ai cũng có lòng tự trọng. Vì thế, phải làm từ tâm và chân thành", anh Quân tâm niệm. Làm từ thiện đối với anh không phải chờ đợi thời điểm mà có thể vô tình gặp bất kỳ hoàn cảnh nào khó khăn, anh cũng dốc lòng giúp đỡ. Anh luôn cảm thấy hạnh phúc, thoải mái khi giúp đỡ được người khác. Điều đặc biệt là anh Quân luôn có sự ủng hộ của vợ trong các hành trình làm từ thiện. Chị có thể bớt sắm đồ trong nhà, tiêu pha ít đi để dành tiền làm từ thiện cùng chồng. Anh biết Tháng Thanh niên năm nay có chủ đề "Tuổi trẻ vì cuộc sống cộng đồng" nên vợ chồng anh đã có những dự định, địa điểm khó khăn cụ thể để đến giúp đỡ. 

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Của cho không bằng cách cho