"Bắt bệnh" hay than vãn của người trẻ

04/12/2018 11:26

Than vãn - một "căn bệnh" đang trở thành thói quen trong suy nghĩ và giao tiếp của không ít bạn trẻ. Dù cuộc sống đủ đầy, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn không thấy hài lòng, luôn có cái nhìn tiêu cực.

Tham gia hoạt động xã hội giúp các bạn trẻ có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống

Chán đủ thứ

Trong một dịp ghé vào quán trà sữa trên đường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), chúng tôi gặp khá nhiều bạn trẻ cùng ngồi uống nước, buôn chuyện. Các câu chuyện đều xoay quanh việc học, việc chơi, yêu đương tuổi "bọ xít" nhưng đa số những câu mở đầu đều bắt đầu bằng "dạo này chán thật"... Có bạn nói chán học do bị áp lực, không được lựa chọn ngành nghề yêu thích. Có bạn cảm thấy chán vì bị bố mẹ theo dõi quá sát sao nên mỗi lần muốn đi chơi, gặp bạn bè phải tìm cách nói dối. Ở bàn bên cạnh có 3 bạn cũng đã đi làm, nhưng những câu than vãn kêu chán được nói ra cũng không kém các bạn còn đi học. Người thì than vãn công việc không đâu vào đâu, lương thấp mà căng thẳng. Người thì kể lể về chuyện cấp trên khó tính, luôn dò xét, soi mói lúc mình làm việc... Rất nhiều câu chuyện kêu than như "không có hồi kết" của các bạn trẻ.

Nguyễn Thúy A. (25 tuổi) làm nhân viên văn phòng của một doanh nghiệp nhỏ. Ở cùng bố mẹ, gia đình cũng thuộc diện khá giả nên A. không phải quá lo về kinh tế. Bề ngoài dù không có gì nổi bật, nhưng A. cũng được nhiều người quý mến. So với nhiều người, cuộc sống của A. là niềm mơ ước nhưng không hiểu sao cô bạn này luôn than vãn về mọi điều không được như mình mong muốn. Theo A. chia sẻ thì công việc văn phòng quá nhàm chán, quẩn quanh với những con số, văn bản, giấy tờ, làm tối ngày mới xong nên không có thời gian đi chơi. Chưa kể công việc vất vả nhưng thu nhập thấp nên cảm thấy không có tương lai... Vì thế, A. luôn chán ghét công việc của mình. 

Không chỉ kêu than với bạn bè, không ít bạn trẻ không ngần ngại chia sẻ tâm trạng chán nản của mình trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram... Lướt một vòng trên mạng xã hội, sẽ không khó để bắt gặp những dòng trạng thái của nhiều bạn trẻ chia sẻ về cuộc sống hiện tại. Không ít người đăng dòng tâm trạng kiểu như "Cuộc sống thật quá bất công với mình", "Tự nhiên chán mà không biết lý do", "Không thấy thì tim không đau"... Những dòng chia sẻ này mặc dù không ảnh hưởng tới ai nhưng đăng tải thường xuyên dễ khiến người khác có ấn tượng không hay.

"Than ngắn thở dài" dường như thành một thói quen của không ít bạn trẻ. Khi gặp bất kỳ một vấn đề gì trong cuộc sống không được như ý muốn, thay vì tìm cách giải quyết hoặc chấp nhận nó, thì nhiều bạn chọn cách than vãn, trách cứ, đổ lỗi tại hoàn cảnh... Điều này dễ khiến cho người khác có cảm giác họ quá yếu đuối, thiếu bản lĩnh nên khi gặp khó khăn thường than vãn.

Xây dựng niềm tin vào cuộc sống

"Khi vào Facebook thấy những lời than vãn của các bạn nhiều lúc mình cũng không thoải mái. Có những người một ngày đăng mấy lần dòng tâm trạng về sự buồn chán, thực sự dễ gây ức chế cho người khác. Có một vài lần tôi cũng vào bình luận, rồi nói chuyện riêng cùng bạn, nhưng sau 2-3 lần chia sẻ bạn ấy vẫn không ngừng than vãn nên tôi cũng không quan tâm nhiều tới bạn đó nữa", bạn Đỗ Hồng Nhung (27 tuổi) ở đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) nói. 

Theo Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục), một nguyên nhân khiến cho nhiều bạn trẻ "mắc bệnh" hay than vãn chính là các bạn được bao bọc quá nhiều. Mọi vấn đề liên quan tới cuộc sống của người trẻ đều được người khác thực hiện thay hay thậm chí được trải "thảm đỏ" nên họ không phải đối mặt với những khó khăn. Vì thế, khi chỉ gặp một chút buồn phiền, nhiều người trẻ không có kỹ năng đối phó, xử lý nên ngoài than vãn ra thì họ không còn cách biểu đạt nào khác. 

Than nhiều sẽ thành quen, có thể vô tình trở thành cách ứng xử trong mọi vấn đề. Từ đó, sẽ khiến cho nhiều người suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống, rồi trở nên oán trách số phận, đổ lỗi tại hoàn cảnh mà không nhìn nhận lỗi ở chính bản thân mình.

Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Trung Học, mỗi bạn trẻ hãy học cách chấp nhận những căng thẳng, thất bại trong cuộc sống, dù lớn hay nhỏ thì đó cũng sẽ là bài học kinh nghiệm cho bản thân. Khi gặp khó khăn hãy bình tĩnh suy xét, từ đó tìm ra cách giải quyết tốt đẹp nhất có thể. Điều quan trọng là các bạn trẻ hãy tìm cho mình những công việc hữu ích, khi bận rộn sẽ không còn nhiều thời gian để than vãn. Ví dụ như các bạn nên trải nghiệm các hoạt động tình nguyện như tới vùng khó khăn hoặc thăm những mảnh đời bất hạnh. Khi tận mắt chứng kiến những người còn bất hạnh hơn mình nhưng họ vẫn vượt qua số phận vươn lên trong cuộc sống sẽ giúp các bạn biết trân trọng hơn những gì mình đang có. Tham gia các hoạt động xã hội sẽ giúp các bạn trẻ có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống. Gia đình cũng cần giúp các em hình thành niềm tin vào cuộc sống. Nếu có niềm tin thì khi đối mặt với những khó khăn, các bạn trẻ sẽ tự tìm ra những mặt tích cực của sự việc, từ đó có thêm động lực vượt qua.                                             

TÂM PHÚC

(0) Bình luận
"Bắt bệnh" hay than vãn của người trẻ