Xa hoa: chặn từ gốc

25/08/2022 15:42

Lối sống hào nhoáng, buông thả không chỉ ảnh hưởng đến bản thân cán bộ mà còn ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của tổ chức cũng như cơ quan.

Tỉnh Quảng Ninh vừa cảnh cáo ông Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh, do đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, tổ chức và tham gia các bữa tiệc nhân dịp về hưu. Bữa tiệc được bày biện trên du thuyền hoặc trong nhà hàng sang trọng, có hàng trăm người đến dự. Điều này ảnh hưởng xấu đến dư luận.

Trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng, nhà chức trách phát hiện nhiều trường hợp nhận hối lộ không chỉ bằng tiền, vàng hay USD, mà còn thông qua tiêu xài hoang phí. Chẳng hạn trước đây chủ sòng cá độ trên mạng Nguyễn Văn Dương khai báo chi tiền cho tướng công an Nguyễn Văn Vĩnh uống rượu ngoại từ vài triệu đến 100 triệu đồng/chai, tổng số tiền nhậu nhẹt lên tới 10 tỉ đồng.

Lối sống xa hoa của một số cán bộ đang diễn ra khá phổ biến và công khai. Không ít người ngang nhiên "trình diễn" nhà cao cửa rộng, biệt phủ, trang trại, dinh thự nghênh ngang, thậm chí là cả phần mộ, lăng tẩm cha mẹ, dòng tộc đều được xây dựng hoành tráng. Những việc như áo quần lụa là, ăn uống cao lương mỹ vị, rượu bia linh đình, vui chơi tốn kém, du hí đắt tiền... thì khó nói hết.

Tiền đâu? Đó là câu hỏi nhức nhối, ngay cả cơ quan chức năng chưa hẳn có thể giải đáp thỏa đáng. Riêng người dân biết rõ rằng đại đa số cán bộ đều có mức thu nhập chính thức không cao, nếu chỉ dựa vào thu nhập chính đáng thì đời sống còn chưa thoát khỏi chật vật. Người dân cũng hiểu tất nhiên có những cán bộ tạo được nguồn tiền chính đáng, nhưng số đó không nhiều, nhất là đồng tiền mồ hôi nước mắt thì chẳng mấy ai sử dụng một cách vô lối.

Tạm gác lại câu hỏi "tiền đâu?", chỉ xét về mặt tư cách đạo đức, rất khó chấp nhận được lối sống vung vít của "một bộ phận không nhỏ cán bộ". Đảng và bộ máy nhà nước không phải là một tổ chức làm quan phát tài, nếu người cán bộ luôn tận tụy, dốc lòng phục vụ, tiền ở đâu ra để giàu có thì dù cơ quan chức năng chưa có câu trả lời thỏa đáng thì ai cũng biết nguồn gốc là không chính đáng.

Chúng ta thường nói "cán bộ là đầy tớ nhân dân", sẽ thật phản cảm khi "đầy tớ" sống vương giả, còn "ông chủ" thì lắm chật vật. Nguyên tắc cơ bản về trong sạch, liêm chính luôn bị một số cá nhân bỏ qua, tự coi đó là chuyện bình thường, không cần đếm xỉa. Tệ hơn, có người luôn miệng rao giảng đạo đức nhưng lại hành xử trái ngược, nhà cửa tráng lệ, xe hơi bóng nhoáng, ba ngày một tiệc nhỏ, năm hôm một tiệc lớn... Những cán bộ này thực chất là kẻ tha hóa nhân cách, dối trên lừa dưới.

Lối sống hào nhoáng, buông thả không chỉ ảnh hưởng đến bản thân cán bộ mà còn ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của tổ chức cũng như cơ quan. Dưới con mắt người dân, mọi biểu hiện phô trương là hoàn toàn không lành mạnh, bộc lộ dấu hiệu thiếu trong sáng, đáng nghi ngờ. Xa hoa và tham nhũng rất gần nhau, nếu không muốn nói xa hoa là cội nguồn dẫn tới tội phạm.

Xét cho cùng cán bộ cũng cần được nâng cao chất lượng cuộc sống. Không có quy định buộc công bộc phải sống giản dị hơn dân. Tuy nhiên, cán bộ phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Dẫu đồng tiền làm ra là minh bạch thì vẫn cần tránh xa cung son tháp vàng. Xa hoa là xa dân, đồng thời vô cảm trước khó khăn của dân. Không phải vô cớ mà Đảng ta phải ban hành chỉ thị chống xa hoa, lãng phí, nếu vi phạm sẽ kỷ luật nghiêm khắc.

Chống xa hoa, lãng phí chính là chống nguồn gốc và cũng là biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực. Xử lý vụ việc từ nguồn gốc, biểu hiện thông qua việc giám sát, răn đe, kỷ luật nghiêm khắc thì ắt hẳn sẽ giảm được hậu quả khi tệ nạn đã lan tràn.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xa hoa: chặn từ gốc