Các chuyên gia y tế tiếp tục cảnh báo không nên chủ quan với việc đối phó với đại dịch COVID-19 ngay cả khi vắcxin ngừa đại dịch này đang được lưu hành trên toàn thế giới.
Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Bangalore, Ấn Độ
Theo số liệu của Reuters, các ca nhiễm mới COVID-19 được báo cáo hàng ngày trong một tháng trên toàn thế giới đã giảm và xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10 vào ngày 18.2.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế tiếp tục cảnh báo không nên chủ quan với việc đối phó với đại dịch COVID-19 ngay cả khi vắcxin ngừa đại dịch này đang được lưu hành trên toàn thế giới.
Chính phủ các nước đã tiến hành nhiều biện pháp phù hợp để ngăn chặn các đợt lây lan của dịch bệnh. Nhưng sự xuất hiện của các biến thể mới của virus đã làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của vắcxin.
Tại Geneva, trong một cuộc họp báo trực tuyến tại đây, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về COVID-19 Maria Van Kerkhove nhấn mạnh "bây giờ không phải là lúc để mất cảnh giác, không thể để các ca nhiễm mới tăng trở lại."
Theo số liệu thống kê tính đến ngày 16.2, đã có 351.335 ca nhiễm mới COVID-19 được báo cáo trên toàn thế giới tính trung bình trong vòng 7 ngày, con số này giảm từ 863.737 ca mới vào ngày 7/1.
Ngoài ra, số người tử vong do COVID-19 đã giảm từ 17.649 người vào ngày 26.1, xuống còn 10.957 người.
Các ca nhiễm mới COVID-19 cũng đang giảm ở Mỹ, với trung bình 77.883 ca nhiễm mới được báo cáo mỗi ngày, chỉ bằng 31% so với thời đỉnh điểm được báo cáo ngày 8.1.
Hãng tin Reuteurs cho biết 85 quốc gia và vung lãnh thổ đã bắt đầu tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho người dân và đã tiêm ít nhất 187,892 triệu liều.
Gibraltar, một lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm ở cực Nam của Tây Ban Nha, hiện đang dẫn đầu thế giới và đã tiêm đủ liều vắcxin cho 40% dân số của mình, với giả định mỗi người cần hai liều.
Theo TTXVN