WB cảnh báo nghèo đói và nợ nần gia tăng ở các nước thu nhập thấp

14/10/2021 13:58

Ngày 13.10, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết đại dịch COVID-19 đang khiến các nước thu nhập thấp dấn sâu hơn vào cảnh nghèo đói và nợ nần, nhấn mạnh đây là "sự đảo ngược bi kịch" trong phát triển.

Chú thích ảnh
Trẻ em chờ nhận khẩu phần ăn do Chương trình Lương thực thế giới tài trợ ở Harare, Zimbabwe

Phát biểu tại cuộc họp báo trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), tại Washington, Mỹ, Chủ tịch Malpass cho biết đại dịch đã khiến thêm hơn 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực, làm thụt lùi nỗ lực chống đói nghèo thêm vài năm, đặc biệt đối với một số nước là cả một thập kỷ. 

Theo ông Malpass, sự bất bình đẳng giữa các nhóm quốc gia đang gia tăng, bằng chứng là thu nhập bình quân đầu người ở các nước phát triển tăng gần 5% vào năm 2021, trong khi mức này ở các nước thu nhập thấp là 0,5%. Các nước đang phát triển phải đối mặt với lạm phát tăng cao, cơ hội việc làm thấp, sự thiếu hụt trong các lĩnh vực thiết yếu như lương thực, điện, nước và việc các nhà máy và cảng ngừng hoạt động cùng với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và logistics.

Người đứng đầu WB nêu rõ rằng đại dịch và sự gián đoạn kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống của phụ nữ, trẻ em và nhóm người dễ bị tổn thương, đồng thời cho rằng cần có một hệ thống tài chính quốc tế phù hợp để giúp người dân ở các nước nghèo nhất có được cơ hội việc làm, qua đó mới giảm được đói nghèo.

Theo ông Malpass, nợ công cũng đang là thách thức của nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước nghèo. Trong bảng Thống kê Nợ quốc tế công bố ngày 11.10, WB ước tính nợ công ở những quốc gia thu nhập thấp đã tăng 12% so với con số kỷ lục 860 tỷ USD vào năm 2020. Báo cáo cũng lưu ý rằng từ trước đại dịch, các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình vốn đã trong tình trạng không ổn định với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, nợ công và nợ nước ngoài ở ngưỡng cao. Khoản nợ của nhóm các nước thu nhập thấp và trung bình đã tăng 5,3% trong năm 2020, lên mức 8.700 tỷ USD.

Để ứng phó với nguy cơ nợ tăng cao ở các nước này, người đứng đầu WB khuyến nghị một hướng tiếp cận toàn diện, bao gồm giãn nợ, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và tăng tính minh bạch nhằm đạt được tiến bộ trong vấn đề này. Trong 15 tháng kể từ tháng 1.2020, tổ chức cho vay đa phương đã cam kết tài trợ 157 tỷ USD hỗ trợ các quốc gia có nhu cầu và một phần trong số đó là viện trợ không hoàn lại.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    WB cảnh báo nghèo đói và nợ nần gia tăng ở các nước thu nhập thấp