Cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập, định hướng, gợi mở nhiều vấn đề lớn, mới về con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Bài 2: Gợi mở nhiều vấn đề lý luận sâu sắc
Trong bài viết đầu tiên mà đầu đề được lấy làm tên cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra nhiều câu hỏi khó và mới, rồi sau đó tập trung lý giải một cách thuyết phục, chặt chẽ và logic.
Bằng những lập luận chặt chẽ, sâu sắc, nội dung các bài viết của Tổng Bí thư từng bước trả lời cho các câu hỏi lớn, rất được quan tâm và đang được Đảng ta nghiên cứu, làm rõ cả về lý luận và thực tiễn, như: Chủ nghĩa xã hội (CNXH) là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN)? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được CNXH ở Việt Nam?... Trong đó, Tổng Bí thư đúc rút: “Xã hội XHCN mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.
Cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” |
Trả lời các câu hỏi tiếp theo, Tổng Bí thư cho đây là những vấn đề cơ bản, nhưng đòi hỏi lý luận phải có sự vận động "đi trước đón đầu", kịp thời đúc rút, tổng kết thực tiễn để lý giải thấu đáo, đúng quy luật, kết nên chân lý rồi quay lại dẫn đắt, soi rọi thực tiễn. Với cách tiếp cận đó, các bài viết của Tổng Bí thư lần lượt đi giải quyết từng vấn đề lý luận trên các lĩnh vực của công cuộc đổi mới đất nước: Kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, quốc phòng, văn hóa, an sinh xã hội, phát huy các giá trị truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc... Qua đó, bạn đọc có thể hình dung, nhận thức từng bước về các đặc trưng, bản chất và nhất là tính ưu việt của chế độ XHCN-chế độ thực sự vì con người phát triển toàn diện, vì nhân dân ấm no, hạnh phúc, vì nhân loại hòa bình, cùng tiến bộ, phát triển...
Với tầm quan trọng cả về phương diện lý luận và thực tiễn, cuốn sách giúp bạn đọc nhận thấy rõ con đường mà nhân dân ta, dân tộc ta đang đi là đúng đắn dù phía trước còn muôn vàn khó khăn, thử thách, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta nhất định sẽ đạt được thành công. Hơn thế, các vấn đề lý luận về CNXH, về thời kỳ quá độ lên CNXH, chủ nghĩa cộng sản “là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn” hướng đích lâu dài, không thể nóng vội, trong đó “Mỗi chính sách kinh tế phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội”; về mục tiêu “xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mĩ ngày càng cao”; về xây dựng một xã hội mà trong đó con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển... Các bài viết của Tổng Bí thư truyền đi thông điệp niềm tin vào CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam cho người đọc và nhân dân.
Thực tế cho thấy, đã có không ít công trình nghiên cứu về các vấn đề này, song cách tiếp cận, luận giải của Tổng Bí thư có nhiều điểm mới, biện chứng và cụ thể, toàn diện và sâu sắc hơn; nhất là với cách thể hiện dung dị, gần gũi, lấy thực tiễn để chứng minh, làm cho cuốn sách vừa giàu tính lý luận, vừa mang đậm hơi thở cuộc sống, dễ đi vào lòng người và các tác dụng cổ vũ hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên, quần chúng. Có lẽ bởi thế mà khi được tiếp cận từng bài viết, người đọc chắc chắn sẽ càng thêm vững tin về tính ưu việt của chế độ XHCN-một xã hội thật sự vì con người; phát triển kinh tế luôn đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thật sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ nhân dân.
Đọc các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư trong cuốn sách, cán bộ, đảng viên, quần chúng và cả bạn bè quốc tế sẽ cảm nhận được rằng: Đây không những là tầm cao trí tuệ của người làm công tác nghiên cứu lý luận chính trị mà còn là kết quả của quá trình dày công tổng kết thực tiễn và nhiều năm trực tiếp cùng toàn Đảng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức; trăn trở, tìm tòi cách thức giải quyết những vấn đề đang đặt ra hiện nay. Sức lan tỏa của các bài viết không chỉ ở giá trị tư tưởng, nội dung mà còn bởi sự cống hiến của chính tác giả, nói đi đôi với làm, nhất là trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nghiêm minh và cũng rất nhân văn; có lối sống trong sáng, liêm khiết. Sự hòa quyện giữa tư tưởng, nội dung, cách lý giải, cách thể hiện với tình cảm, tâm huyết, phong cách, lối sống của Tổng Bí thư làm nên sức hấp dẫn, cuốn hút, thuyết phục của cuốn sách.
Không chỉ đề cập toàn diện đến các vấn đề bao trùm của sự nghiệp cách mạng, từng bài viết cụ thể trong cuốn sách còn thể hiện quan điểm chỉ đạo sâu sắc, đúng đắn đối với từng lĩnh vực của từng ngành, lĩnh vực, nhiệm vụ chính trị. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cần năng động, sáng tạo, tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo sức mạnh to lớn, vô địch để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh... Các cơ quan nội chính công tâm, trong sáng; phải sử dụng và kiểm soát hiệu quả quyền lực mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho, xứng đáng là "thanh bảo kiếm sắc bén" và "lá chắn vững chắc" để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội. Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, sức mạnh nội sinh và là động lực quan trọng để phát triển đất nước, "soi đường cho quốc dân đi". Về đối ngoại, cần tiếp tục phát huy những giá trị, phương thức đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc dân tộc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển"...
Những nội dung Tổng Bí thư đề cập trong cuốn sách là vấn đề lý luận chung hay đối với các ngành, các cấp đều có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ cho đông đảo cán bộ, đảng viên và cả dân tộc vững tin vào con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá một cách toàn diện, khách quan cả về thành tựu và nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, Tổng Bí thư đã định hướng các giải pháp cụ thể cần tập trung thực hiện. Đó cũng chính là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước, thể hiện những vấn đề cốt lõi, cơ bản của cách mạng Việt Nam trong những chặng đường sắp tới.
Theo Quân đội nhân dân