Mặc dù vùng chuyển đổi của xã Yết Kiêu (Gia Lộc) có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi nhưng do cơ sở hạ tầng hạn chế nên nhiều hộ bỏ chuồng, bỏ ao.
Đường xá đi lại khó khăn nên các hộ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ
Ông Tăng Đình Vững là một trong những người đầu tiên xây chuồng trại chăn nuôi ở khu chuyển đổi của thôn Hoàng Kim. Ngày mới lập trang trại, các hộ chăn nuôi ở đây thiếu đủ thứ, phải đi lại bằng thuyền. Cả khu chuyển đổi có 18 hộ chăn nuôi với diện tích khoảng 20 ha. Mỗi hộ đóng góp hơn 10 triệu đồng để làm 3 cây cầu tạm phục vụ việc đi lại. Các hộ phải góp hơn 10 triệu để làm đường bê tông, kéo đường điện từ trong xóm ra.
Ông Vững cho biết, nhiều hộ phía bên trong không có đường đi, muốn đi vào phải nhờ các hộ ở bên ngoài. Thức ăn chăn nuôi phải vận chuyển từng bao bằng xe máy hoặc xe thồ. Khi bán lợn, cá, người dân phải khiêng tay ra đường lớn. Đi lại khó khăn nên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hơn 1 năm trở về đây, giá lợn hơi, giá cá xuống thấp, một số hộ bỏ chuồng, bỏ ao.
Người dân thôn Hoàng Kim góp tiền làm cầu tạm ra khu chuyển đổi
Trước đây, gia đình anh Trần Văn Trương ở thôn Hoàng Kim có hơn 1 mẫu ao nuôi cá, 50 con lợn thịt, mỗi năm thu lãi gần 100 triệu đồng. Từ cuối năm 2016, giá lợn xuống thấp, anh Trương chỉ nuôi 10 con lợn thịt, ao cá cũng nuôi cầm chừng, thời gian còn lại anh buôn gia cầm giống. "Trước đây, thu nhập của gia đình trông chờ vào trang trại nhưng giờ tôi phải đi buôn để kiếm sống. Ở khu vực này, các hộ chủ yếu nuôi cá kết hợp nuôi lợn, nhưng hiện nay nhiều hộ bỏ chăn nuôi để chuyển sang làm nghề khác", anh Trương cho biết.
Những khó khăn ở vùng chuyển đổi thôn Hoàng Kim chưa thấm vào đâu so với thôn Hạ Bì. Muốn sang vùng chuyển đổi của thôn Hạ Bì, người dân chỉ có cách duy nhất đi thuyền. Ông Vũ Đình Vẻ ở thôn Hạ Bì cho biết, một số hộ chăn nuôi ở khu vực này đã bỏ chuồng, bỏ ao. Nguyên nhân do việc đi lại khó khăn cộng với giá lợn hơi, giá cá xuống thấp. "Việc mua bán ở khu chuyển đổi rất bất tiện. Hộ nào bán lợn, bán cá phải vận chuyển bằng thuyền qua sông. Bán đàn lợn chục con cũng mất cả buổi sáng", ông Vẻ nói.
Muốn sang khu chuyển đổi của thôn Hạ Bì, người dân phải đi thuyền
Vùng chuyển đổi ở 2 thôn Hoàng Kim và Hạ Bì rộng hơn 39 ha. Khu vực này trước kia là vùng ruộng trũng, cấy lúa bấp bênh, bị chia cắt bởi sông Đĩnh Đào. Những năm 90 của thế kỷ trước, người dân hai thôn tự đổi ruộng cho nhau để lập trang trại nuôi lợn, thả cá. Không có quy hoạch nên đường sá vào khu chuyển đổi là những bờ lô, bờ thửa ruộng cấy rất nhỏ, có những trang trại không có đường vào. Người dân tự góp tiền làm đường vào vùng chuyển đổi, xã không có tiền hỗ trợ. Địa phương cũng không có điều kiện để quy hoạch lại do tốn kém kinh phí.
Để khai thác tiềm năng vùng chuyển đổi ở xã Yết Kiêu, chính quyền các cấp cần hỗ trợ người dân làm đường, giúp bà con phát triển chăn nuôi hiệu quả.
TRẦN HIỀN