Cung không đủ cầu, giá lợn hơi tăng và neo ở mức cao giúp ngành chăn nuôi trúng đậm. Có những doanh nghiệp lãi gấp hàng chục lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Công Bắc - Giám đốc Công ty Chăn nuôi Lộc Phát BLLT (Sơn La) - cho biết, vừa qua, có những thời điểm giá lợn hơi vọt lên 70.000 đồng/kg giúp công ty lãi khoảng 1,8 triệu đồng/con khi xuất bán. Dịp đó, ông xuất bán được khoảng 1.000 con lợn thịt.
Những ngày gần đây, lợn hơi hạ về mức 63.000-65.000 đồng/kg. Với mức giá này, các trang trại lợn của doanh nghiệp vẫn đạt lợi nhuận 18-20%.
Theo ông Bắc, từ đầu năm đến nay, chăn nuôi lợn “dễ thở” hơn so với năm 2023. Quý I năm nay đã có lãi nhẹ, sang quý II thì lãi cao hơn do giá lợn tăng.
“Thịt lợn đang trong tình trạng cung không đủ cầu. Các trang trại có lợn xuất chuồng đến đâu, các đầu mối bắt hết đến đó”. Ông Bắc nói và cho hay, giá thức ăn chăn nuôi cũng hạ nhiệt nên các trang trại của công ty đều nuôi công suất tối đa từ 10.000-11.000 con lợn thịt và 1.500 con lợn nái.
Theo Bộ NN-PTNT, trong quý II/2024, đàn lợn của nước ta có xu hướng tăng trở lại do chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khiến tình hình chăn nuôi không ổn định, đặc biệt với khu vực hộ gia đình.
Giá thịt lợn có xu hướng tăng mạnh, sau đó hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao. Tháng 7/2024, giá lợn hơi trên cả nước dao động từ 62.000-66.000 đồng/kg. Mức giá này giúp người chăn nuôi và doanh nghiệp thu lãi khá cao.
Thực tế, trong 6 tháng đầu năm nay, phần lớn doanh nghiệp chăn nuôi lợn đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhờ giá thịt lợn tăng cao và ổn định thời gian dài.
Đơn cử, 6 tháng đầu năm 2024, Công ty Cổ phần Phát triển Chăn nuôi Hòa Phát đã bán ra thị trường gần 190.000 con lợn thịt, 80.000 con lợn giống thương phẩm và hơn 1.000 con lợn giống hậu bị. Sản lượng bán hàng các dòng lợn đều tăng trưởng tốt. Nhờ đó, doanh thu từ mảng chăn nuôi của Hòa Phát tăng 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam cũng báo doanh thu từ hoạt động chăn nuôi trong nửa đầu năm nay đạt 1.330 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 6 tháng đầu năm, BAF ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 154 tỷ đồng, tăng gấp 12 lần cùng kỳ năm trước (gần 12,8 tỷ).
Theo BAF, đó là nhờ giá lợn trong quý II năm nay đã phục hồi sau đợt giảm chạm đáy vào quý IV năm ngoái. Chưa kể, sản lượng lợn của BAF trong quý II đạt hơn 144.000 con, nâng tổng đàn trong nửa đầu năm 2024 lên 252.000 con, gấp 1,8 lần cùng kỳ. Giá nguyên liệu đầu vào giảm cũng giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả chăn nuôi.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Dabaco) - “ông lớn” trong ngành chăn nuôi, 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận doanh thu thuần tăng gần 11,3% so với cùng kỳ, lên 6.437 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng từ 6 tỷ đồng cùng kỳ lên hơn 218 tỷ đồng, tương đương mức tăng hơn 36 lần.
Về nguồn cung thịt lợn, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) - cho biết, từ nay đến cuối năm - kể cả vào dịp Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng khoảng từ 10-15%, chúng ta vẫn đảm bảo tốt nguồn cung từ sản xuất thịt lợn trong nước. Tuy nhiên, cần phòng chống tốt dịch tả lợn châu Phi và chăn nuôi an toàn sinh học.
“Chúng tôi có khuyến cáo 16 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn trên toàn quốc mở rộng quy mô sản xuất để đảm bảo nguồn cung”, ông nhấn mạnh. Còn với nông hộ chăn nuôi, khi vào đàn hoặc tăng đàn phải đảm bảo nguồn giống an toàn, sạch bệnh và chất lượng, đảm bảo thật chặt chẽ an toàn sinh học để nuôi giữ đàn lợn.
Bộ NN-PTNT dự báo, nguồn cung lợn sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn còn phức tạp, giá lợn hơi có thể duy trì ở mức cao và chỉ giảm trở lại vào năm 2025.
TH (tổng hợp)