Nông nghiệp - Nông thôn

Tăng cường an toàn sinh học trong chăn nuôi

NGUYỄN MINH ĐỨC, Chi cục Chăn nôi và Thú y tỉnh Hải Dương 05/09/2024 14:02

Chăn nuôi an toàn sinh học đang được coi là hướng đi bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững.

thao-duoc(2).jpg
An toàn sinh học đối với các cơ sở chăn nuôi là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài. Trong ảnh: Một chuồng trại chăn nuôi lợn khép kín

Trong giai đoạn hiện nay chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi, đặc biệt đối với chăn nuôi nông hộ, gia trại. Đây được coi là hướng đi bảo đảm để phát triển chăn nuôi bền vững của ngành nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, không phải người chăn nuôi nào cũng biết về chăn nuôi an toàn sinh học để áp dụng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương hướng dẫn một số nội dung cơ bản về an toàn sinh học như sau:

1. Khái niệm về an toàn sinh học

An toàn sinh học đối với các cơ sở chăn nuôi là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong của cơ sở chăn nuôi đó, không để mầm bệnh lây lan giữa các khu vực chăn nuôi trong trang trại.

2. Các yêu cầu về an toàn sinh học

a. Kiểm soát về con giống: Con giống nhập về phải bảo đảm khỏe mạnh có nguồn gốc từ cơ sở an toàn dịch bệnh được tiêm phòng đầy đủ, có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật. Con giống được nuôi cách ly trong thời gian ít nhất 2 tuần trước khi cho nhập đàn, nên bố trí khu nuôi cách ly riêng biệt.

b. Kiểm soát con người: Công nhân làm việc trong trại phải có bảo hộ lao động, rửa tay sau khi tiếp xúc với vật nuôi. Hạn chế tối đa đi từ khu vực chăn nuôi này sang khu vực chăn nuôi khác hoặc tiếp xúc với quá nhiều loại vật nuôi.
Khách đến tham quan hoặc liên hệ công tác phải có lịch với chủ trại, khi được phép mới vào trại và theo hướng dẫn của chủ trại. Tuyệt đối thương lái không được vào khu vực chăn nuôi. Nên hạn chế tối đa việc khách tham quan.

c. Kiểm soát phương tiện: Kiểm soát phương tiện gồm, phương tiện vận chuyển dụng cụ chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, vận chuyển động vật, đặc biệt là phương tiện vận chuyển của các thương lái và khách tham quan.

d. Xử lý xác động vật: Khi có súc vật chết phải đưa ra ngoài chuồng xử lý xác chết theo hướng dẫn của cơ quan thú y, thực hiện vệ sinh toàn bộ khu vực chôn xác con vật.

đ. Kiểm soát thức ăn, nước uống: Thức ăn phải bảo đảm chất lượng được nhập về từ các cơ sở có uy tín không bị nhiễm hóa chất thuốc bảo vệ thực vật và các hợp chất khác. Nguồn nước dùng cho gia súc, gia cầm phải sạch, không ô nhiễm, bảo đảm chất lượng (như nước máy, giếng khoan có qua hệ thống lọc). Bể chứa phải được che đậy để tránh các loại tạp chất, xác chết chim, chuột.

e. Kiểm soát động vật, côn trùng: Chuồng nuôi cần phải bố trí lưới che, luôn đóng cửa để tranh sự xâm nhập của chó, mèo, chim, chuột... Thường xuyên dọn dẹp xung quanh chuồng, phát quang bụi rậm. Không cho con vật khác gần khu vực chuồng nuôi, định kỳ phun sát trùng chuồng nuôi.

3. Công tác thú y

Thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi. Nếu có vật nuôi chết hoặc chết hàng loạt phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cán bộ thú y biết để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh.

Không bán chạy gia súc, gia cầm ốm, không vứt xác bừa bãi, không ăn thịt gia súc, gia cầm bệnh.

Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho đàn vật nuôi. Định kỳ phun sát trùng chuồng trại bằng hóa chất có tính sát khuẩn nhanh, mạnh.

NGUYỄN MINH ĐỨC, Chi cục Chăn nôi và Thú y tỉnh Hải Dương
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường an toàn sinh học trong chăn nuôi