Là vùng chuyên canh cây ăn quả trọng điểm của tỉnh nhưng huyện Thanh Hà đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc chống úng, bảo vệ sản xuất trong mùa mưa bão.
Người trồng quất Thanh Sơn luôn lo lắng mỗi khi xảy ra mưa lớn
Chỉ lo ngập
Có kinh nghiệm trồng quất lấy quả hơn 20 năm, bà Vũ Thị Vui ở đội 14, xã Thanh Sơn đã có thể làm chủ được những kỹ thuật chăm sóc để quất ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Thế nhưng mọi công sức của bà sẽ là công cốc nếu như gặp mưa lớn. Năm nào, gia đình bà Vui cũng bị thiệt hại ít nhất 30% sản lượng vì mưa gây ngập úng, làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển của cây. Thậm chí có những năm bà Vui phải ngậm ngùi vì mất trắng. Vườn quất nhà bà nằm trên khu đồng Ba Đa, cách trạm bơm Ba Nữ chỉ có vài trăm mét. Dù vậy, khi có mưa lớn, trạm bơm tiêu úng không kịp, nhiều năm nước đọng đến gần 1 tuần mới rút làm cho quất chết la liệt. Bà Vui than thở: "Qua nhiều năm trồng quất, tôi đã "giắt lưng" được nhiều bí quyết làm quất sai hoa, nhiều quả. Song cuối cùng vẫn phải trông mong vào ông trời. Vườn quất đang tươi tốt chỉ sau một trận mưa cũng có thể héo quắt, buộc phải phá đi trồng lại".
Khu đồng Bông được người dân thôn Văn Mạc ví như rốn nước của xã Liên Mạc vì hễ cứ mưa là ngập. Nông dân nơi đây thường trông chờ vào vụ ổi cuối năm bởi đây là vụ cho thu nhập cao nhất, nhưng vài năm gần đây, họ phải bỏ qua vụ ổi này vì không dám "đánh bạc với thời tiết". Lý giải về điều này, chị Nguyễn Thị Thuyết cho biết: "Để cây ổi cho thu quả vào cuối năm, nông dân sẽ phải tập trung chăm sóc cây vào tháng7, tháng 8. Cây được bón bổ sung đạm, lân sẽ ra nhiều rễ non nên thời điểm này nếu gặp mưa úng trong khoảng 3 ngày sẽ coi như mất trắng. Nhiều hộ tiếc của, cố gắng phục hồi rễ nhưng cây cũng phát triển không như trước, chất lượng quả kém. Để ăn chắc, người dân đành chấp nhận mất vụ ổi này còn hơn là trông vào may rủi, có khi mất hết".
Hạ tầng thủy lợi không theo kịp yêu cầu sản xuất chính là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong việc tiêu úng của huyện Thanh Hà. Hiện tại, huyện đã có hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi sang trồng cây ăn quả nhưng các công trình tưới, tiêu vẫn từ thời trồng lúa, chưa được cải tạo, nâng cấp để bảo đảm nhu cầu sản xuất hiện nay. Đối tượng phục vụ thay đổi trong khi hạ tầng phục vụ ngày càng xuống cấp làm cho vùng trồng cây ăn quả của huyện luôn phải đối mặt với nguy cơ ngập úng.
Quan tâm đầu tư hệ thống tiêu úng
Huyện Thanh Hà có gần 6.000 ha cây ăn quả, trong đó khoảng 4.000 ha vải, hơn 1.000 ha ổi, còn lại là quất, bưởi, chuối. Do ở vị trí hạ lưu sông nên khi xảy ra ngập úng, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi khó sử dụng biện pháp tiêu tự chảy mà phụ thuộc hoàn toàn vào tiêu bằng động lực. Thế nhưng, 13 trạm bơm tiêu của huyện mới chỉ có trạm bơm Thanh Thủy bảo đảm được hệ số tiêu, các trạm bơm còn lại đều không đáp ứng được yêu cầu tiêu úng. Vì vậy, khi xảy ra mưa lớn trên diện rộng, tiêu úng không kịp thời làm ảnh hưởng tới sản xuất. Mặt khác, do các trạm bơm đã xây dựng từ lâu, máy móc, thiết bị không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và độ an toàn nên nhiều khi không thể vận hành hết công suất.
Xã Liên Mạc xác định có hơn 100ha trong tổng số 495 ha trồng ổi có khả năng bị ngập úng nặng trong mùa mưa bão. Nhưng do diện tích thường xuyên bị ngập úng không tập trung theo vùng mà "xôi đỗ" từng điểm nên việc khắc phục rất khó khăn. Ông Mạc Văn Mạo, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Liên Mạc cho biết: "Khi xảy ra mưa lớn, toàn bộ diện tích cây ăn quả của xã phụ thuộc vào trạm bơm Cấp Tứ thuộc địa bàn xã Thanh Xuân. Vì vậy, HTX chỉ có thể chủ động nạo vét khơi thông dòng chảy chứ không can thiệp được bơm tiêu. Mặc dù vậy, việc giải tỏa dòng chảy cần nguồn kinh phí lớn trong khi mức hỗ trợ thủy lợi phí còn thấp nên rất khó thực hiện".
Trong đợt mưa lớn từ ngày 19-21.7 vừa qua, huyện Thanh Hà có hơn 1.250 ha cây ăn quả bị ngập úng. Dù việc tiêu úng được thực hiện khẩn trương nhưng thiệt hại là không tránh khỏi. Theo ông Ngô Xuân Thinh, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Thanh Hà, để hạn chế tối đa thiệt hại do mưa úng gây ra đối với các vùng cây ăn quả của huyện, ngoài nỗ lực của các đơn vị khai thác công trình, các địa phương, đơn vị phải quyết liệt xử lý vi phạm công trình thủy lợi, giải tỏa vật cản để dòng chảy thông thoáng, bảo đảm tiêu úng kịp thời. Hiện nay, nhiều địa phương vẫn còn lơ là trong vấn đề này. Đây chính là lý do làm cho việc tiêu úng đã khó lại càng thêm khó. Trong điều kiện hạ tầng thủy lợi và hỗ trợ phát triển thủy lợi còn hạn chế, các địa phương cần huy động thêm nhiều nguồn lực, cùng với xí nghiệp tháo gỡ khó khăn. Có như vậy mới bảo đảm sản xuất diễn ra an toàn, thuận lợi trong mùa mưa bão.
DŨNG CƯỜNG