Nông nghiệp - Nông thôn

"Vua" đồi rừng Nguyễn Văn Ngân

DŨNG CƯỜNG 02/03/2024 15:00

Sinh ra, lớn lên giữa núi rừng Chí Linh (Hải Dương) bao bọc, ông Nguyễn Văn Ngân, sinh năm 1972 ở khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa luôn nỗ lực bảo vệ, gìn giữ Vườn thực vật Côn Sơn.

00:00

z5200800676610_6894f611b78341389ddb7b682169d798.jpg
Ông Ngân là điển hình trong phong trào trồng rừng và giữ rừng ở TP Chí Linh

Bền bỉ giữ rừng, gây rừng

Năm 1996, ông Ngân hăng hái nhận trông nom hơn 45 ha rừng đặc dụng. Không giống các hộ nhận khoán khác, diện tích rừng mà ông chăm sóc, gìn giữ gồm cả vườn thực vật và những vạt rừng ôm lấy khu di tích Côn Sơn. Nhiệm vụ này khá áp lực, nặng nề bởi vườn thực vật Côn Sơn mới được thành lập trước đó 1 năm. Nơi đây không chỉ có ý nghĩa về mặt cảnh quan mà còn lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen thực vật quý, có giá trị khoa học lớn. Còn diện tích rừng quanh khu di tích Côn Sơn thì luôn đối mặt với nhiều nguy cơ.

Phấn khởi vì được tin tưởng giao phó vùng rừng quan trọng nhưng ông Ngân cũng canh cánh nỗi lo. Nhưng bằng tâm huyết và sự bền bỉ, gần 30 năm qua, cánh rừng mà ông Ngân nhận chăm sóc, giữ gìn luôn tươi tốt, tô điểm cho di tích. Ông Ngân cười nói: “Vùng tôi chăm nom không những là rừng đặc dụng mà còn đặc thù, đặc biệt vì thời điểm đó cả tỉnh chỉ có vườn thực vật Côn Sơn. Về sau mới có thêm vườn thực vật An Phụ ở Kinh Môn nhưng quy mô không lớn bằng”.

Gắn bó với vườn thực vật Côn Sơn từ những ngày đầu hình thành khi vườn chỉ vỏn vẹn 7 ha tới bây giờ là hơn 30 ha, ông Ngân thuộc nằm lòng đường đi, lối lại trong vườn và đặc tính của từng loại cây. Nơi đây lưu giữ hàng chục nghìn cá thể thực vật với nhiều loại nằm trong sách đỏ nên ông chưa khi nào chủ quan, lơ là việc chăm sóc, bảo vệ. Ông nhớ chính xác vị trí của từng loại cây trong vườn. Dù vườn gần nhà, địa hình không quá phức tạp, việc đi rừng kiểm tra cũng thuận lợi, dễ dàng hơn song cứ đến mùa lễ hội ông Ngân lại sốt ruột, bất an. Bởi vườn thực vật nằm nép mình nơi chân núi, chỉ cần sơ ý nhỏ sẽ gây hậu quả lớn. Bìa rừng vào khu di tích luôn cần phải xanh tươi, nếu lơ đãng cũng sẽ bị phá hoại. Vì vậy, dù đã thuần thục với các kỹ năng phòng hộ bảo vệ an toàn cho rừng, ông Ngân vẫn cẩn trọng ngay cả những việc nhỏ nhất. Trong mùa lễ hội, ông luôn có mặt ở những điểm dễ xảy ra cháy để nhắc nhở người dân, du khách có ý thức trong việc sử dụng lửa.

z5200799181601_4456a5ba905c34fb657272f840cb0e9d.jpg
Ngoài trông nom rừng đặc dụng, trồng rừng sản xuất, ông Ngân (bên trái) còn tận dụng đất đồi rừng để trồng thông cảnh

Không chỉ tích cực trông nom, bảo vệ rừng đặc dụng, ông Ngân còn nhận 12 ha rừng sản xuất ở xã Bắc An, cách gia đình hơn 20 km. Khoảng cách giữa hai vùng rừng khiến ông luôn tất bật như con thoi. Nếu như diện tích rừng đặc dụng chỉ cần chú tâm gìn giữ, bảo đảm an toàn thì bên rừng sản xuất ông Ngân phải dành thời gian, công sức và tâm huyết nhiều hơn. Nhờ sự chăm bẵm, tận tụy của ông mà từ vạt núi đồi trơ sỏi đá mầm xanh đã vươn lên ôm lấy đất đai, mang lại nguồn sống và kế sinh nhai.

Ông Ngân kể lại câu chuyện hơn 10 năm trước khi hạ quyết tâm gây rừng ở xã Bắc An mà như thể mới diễn ra gần đây vì ông nhớ từng chi tiết nhỏ và vẫn nguyên vẹn cảm xúc. Ông nói trông rừng đã vất vả, chăm rừng càng khó khăn hơn nhiều. Cây rừng lớn lên bằng chính mồ hôi, công sức của người trồng. Quan trọng hơn cả là tình yêu tha thiết với những cánh rừng xanh bạt ngàn nuôi dưỡng tuổi thơ, tâm hồn mỗi con người sinh ra, lớn lên ở vùng đồi rừng. Người trồng rừng phải kiên nhẫn, nếu không sẽ dễ bỏ cuộc giữa chừng vì gây rừng phải dài lâu. Với rừng sản xuất cũng không thể nóng vội. Từ khi ươm giống tới khi cây rừng bén rễ, sinh trưởng cần cả quá trình, chưa kể tới những bất lợi gặp phải khi cây chết, còi cọc, chậm phát triển. “Hơn chục năm chăm bẵm, nhà tôi mới khai thác được 1 lứa keo. Nguồn thu thì có, lãi từ 80-100 triệu đồng/ha nhưng nếu không kiên trì, bền bỉ thì có lẽ sẽ khó lòng gắn bó với rừng, thu nguồn lợi từ rừng”, ông Ngân chia sẻ.

Hướng đi mới

z5200799355669_447dc2457805fd96006d185887f43c1d.jpg
Cây thông cảnh được định giá 600 triệu đồng tại vườn đồi nhà ông Ngân

Bận rộn với rừng đặc dụng, rừng sản xuất nhưng ông Ngân luôn trăn trở làm thế nào để khai thác hiệu quả kinh tế đồi rừng. Ông nhận 5,5 ha đồi cây ăn quả. Ngày trước ông trồng vải, tận dụng tán cây để chăn nuôi, trang trải cuộc sống gia đình trong thời gian rừng sản xuất chưa thành nguồn thu. Mặc dù vậy, cách làm lấy ngắn nuôi dài này của ông không mấy khả quan khi nông sản tiêu thụ bấp bênh, được mùa mất giá. Vì thế, ông luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế đồi rừng.

Ngày trước, tranh thủ những lúc nhàn rỗi, ông nhận phụ giúp chăm sóc cây công trình (cây trang trí cho nhà ở, cơ quan). Từ công việc này, ông nảy ra ý tưởng trồng thông cảnh ngay trên diện tích đồi mà gia đình nhận khoán. Nói về lý do lựa chọn trồng thông cảnh, ông Ngân cho biết giống cây này là đặc trưng ở khu di tích Côn Sơn nên ông muốn tạo thêm điểm nhấn cho nơi đây. Vì thế ông ngày đêm mày mò, học hỏi kinh nghiệm trồng thông cảnh trên sách báo. Những kiến thức về thông cảnh đều do ông tự gom nhặt.

Trước khi tạo dáng, thế cho từng cây thông, ông Ngân phải ươm cây giống trên đồi. Vốn là loài của núi rừng nên cây thông vươn lên mạnh mẽ. Khi cây đủ lớn, cứng cáp, ông bắt đầu uốn, nắn theo từng dáng phù hợp. Cây thông phóng khoáng, dễ trồng trên đất đồi nhưng để có thể thích nghi ở miền đồng bằng thì cần phải dưỡng, luyện cây. Vì vậy, đòi hỏi người trồng phải có hiểu biết sâu, tích lũy đủ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây có thể phát triển trong mọi hoàn cảnh, điều kiện.

Kinh nghiệm chưa nhiều, kỹ thuật lại chắp vá nên mới đầu, ông Ngân gặp không ít khó khăn. Lúc thì do chuyển gốc không bảo đảm khiến cây chết, khi lại do uốn cành không đúng thời điểm, khó tạo ra dáng đẹp. Dẫu vậy ông vẫn không nản lòng, mỗi lần sai là một lần rút ra kinh nghiệm. Sau 5 năm say sưa tìm tòi, trải qua không ít lần thất bại, ông Ngân đã gặt hái được thành quả xứng đáng. Thông cảnh do gia đình ông trồng được ưa chuộng, khách hàng từ trong Nam ngoài Bắc đặt hàng. Giờ đây khu di tích Côn Sơn không chỉ có rừng thông già trăm tuổi mà còn có những đồi thông cảnh mang lại thu nhập cao cho người dân.

Chỉ tay về phía cây thông dáng huyền trị giá 150 triệu đồng đã được khách đặt hàng, ông Ngân phấn khởi nói: “Thông cảnh giá trị cao song kỳ công nên không phải ai cũng có thể trồng được. Ngoài đam mê, người trồng phải nắm bắt các đặc tính của cây, lựa chọn thời điểm tạo dáng, thế thích hợp”.

Ông Ngân là người đi đầu trong phong trào trồng thông cảnh ở TP Chí Linh. Hiện diện tích đồi vải trước kia của nhà ông Ngân đều được thay bằng thông cảnh. Tùy vào từng gốc mà ông sẽ tạo cây bonsai hay dáng cổ thụ. Những cây thông cảnh với dáng, thế khỏe khoắn trong vườn đồi của ông Ngân được giới sành cây cảnh để mắt. Mỗi năm nhà ông tiêu thụ được hơn 300 gốc thông, gồm gần 100 cây to trị giá từ 40-100 triệu đồng/cây, thậm chí có gốc 600 triệu đồng, còn lại cây nhỏ có giá bán từ 4-5 triệu đồng/cây. Do tự làm giống, vun trồng và tạo dáng nên ông Ngân không mất nhiều chi phí đầu vào, hằng năm ông thu lãi từ 4-5 tỷ đồng.

z5200798174341_5fde6376b18723901cff408bc4210cf3.jpg
Tất cả những cây thông cảnh trước khi lên chậu để tiêu thụ đều được ươm trồng trên đồi rừng Chí Linh

Dù tìm được hướng đi mới trong phát triển kinh tế đồi rừng nhưng ông Ngân vẫn không bỏ bê việc quán xuyến rừng đặc dụng, sản xuất. Với ông, rừng là đặc ân nên phải đối đãi ân tình. Vì thế bước chân đi rừng chưa bao giờ mỏi và chưa khi nào ông hết lo toan về việc trồng rừng, giữ rừng.

Theo ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương, ông Ngân là người tâm huyết, say mê, có trách nhiệm trong việc phát triển, bảo vệ rừng. Không chỉ tích cực, hăng hái với công việc nhận khoán rừng đặc dụng, gìn giữ vùng rừng luôn xanh tốt, ông Ngân còn tìm tòi, sáng tạo để khai thác hiệu quả kinh tế đồi rừng.

DŨNG CƯỜNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Vua" đồi rừng Nguyễn Văn Ngân