Để các sản phẩm đồi rừng của Chí Linh không xuất hiện rồi biến mất nhanh gọn, cần có giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp.
Chí Linh đang tìm cách mở rộng xuất khẩu nhãn
Thời gian qua, nhiều sản phẩm đồi rừng Chí Linh xuất hiện, phát triển trong thời gian ngắn rồi bị thu hẹp sản xuất như vải Chí Linh, thậm chí biến mất như các vùng dứa, cam ở xã Lê Lợi, táo Cộng Hòa. Vòng luẩn quẩn luôn tái diễn là đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh. Sản xuất ra không bán được, hoặc được mùa mất giá dẫn đến người dân ngại đầu tư, vì thế quy trình sản xuất cũng không bảo đảm, sản phẩm ngày càng kém chất lượng. Ngay người nông dân cũng chán ngán với việc liên tục phải "giải cứu" nông sản.
Qua các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiều cử tri Chí Linh đã đề nghị cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX Dịch vụ nông nghiệp, các cấp Hội Nông dân. Qua đó giúp nông dân có giải pháp đổi mới giống cây trồng, vật nuôi, phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho các loại hàng hóa, nông, lâm sản với giá cả hợp lý.
Chí Linh đang thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm đặc trưng giai đoạn 2021-2025”. Trong năm nay, thành phố nên hoàn thiện các cơ chế hỗ trợ hiệu quả chăn nuôi an toàn dịch bệnh; phát triển vùng sản xuất rau, cây ăn quả an toàn; hỗ trợ bảo vệ sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu các sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng như nhãn, na, gà đồi, thanh long ruột đỏ, nếp cái hoa vàng... Quan tâm xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường hơn nữa; đưa các nông sản của địa phương lên sàn thương mại điện tử; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
LÂM VŨ (TP Chí Linh)