Là một trong những cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông của tỉnh nhưng vụ ngô đông năm nay gặp nhiều khó khăn vì sâu keo mùa thu (SKMT) phát sinh gây hại.
Người trồng ngô trong tỉnh đang vất vả đối phó với sâu keo mùa thu
Vất vả phòng bệnh
Trồng ngô nhiều năm nhưng chưa khi nào bà Nguyễn Thị Thơ ở thôn Châu Quan, xã Đoàn Kết (Thanh Miện) thấy chật vật như năm nay. Trước đây, mỗi vụ bà Thơ chỉ cần phun 4 lượt thuốc trừ sâu là có thể yên tâm ngô không bị sâu bệnh phá hoại.
Còn vụ này, dù đã phun 7 lượt thuốc nhưng bà vẫn thấp thỏm không yên. Bởi chỉ cần lơ là vài hôm là ruộng ngô đang xanh tốt sẽ trở nên nham nhở bởi những vết cắn của SKMT. "Không giống như những loại sâu khác, SKMT rất khó phun trừ.
Tôi kết hợp dùng thuốc hóa học với bắt thủ công mà vẫn không ăn thua. Chỉ cần sót mấy con trên ruộng là vài hôm sau sẽ phát triển thành cả đàn sâu. Giống sâu này tàn phá cây ngô rất nhanh, ăn hết nõn rồi đến thân. Vì thế nếu chủ quan thì nhà tôi sẽ mất trắng 5 sào ngô", bà Thơ sốt ruột nói.
4 sào ngô của nhà chị Phạm Thị Liễu ở thôn Quảng Đạt, xã Ngũ Phúc (Kim Thành) mới lên 5 lá song chị đã tốn tiền triệu để mua thuốc phun trừ SKMT. Mặc dù vậy, sâu vẫn phát sinh theo từng đợt cắn phá lá non làm cho nhiều cây không thể phục hồi. Để khắc phục, chị Liễu phải trồng dặm cây con nên ngô phát triển không đồng đều, khó chăm sóc.
Theo tính toán của chị Liễu, nếu cứ tình trạng này, chị sẽ phải phun thêm 6 lượt thuốc sâu nữa thì vụ ngô này mới được thu. Không những tốn kém tiền thuốc mà ngày nào chị cũng phải ở ruộng ngô, lật từng lá để bắt sâu.
"Tôi đã chuyển nhiều loại thuốc sâu mà vẫn không hiệu quả. Lứa sâu sau còn nhiều hơn lứa trước, nõn ngô vừa nhú đã bị cắn trụi. Giống sâu này sinh sản và lây lan nhanh nên rất khó phòng trừ. Bỏ thì tiếc, chăm sóc tiếp thì vừa mất của, vừa mất công mà không biết có năng suất hay không", chị Liễu than phiền.
Không lạm dụng thuốc hóa học
Trong vụ đông, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 1.500 ha ngô, tập trung ở các huyện Thanh Miện, Gia Lộc, Kim Thành, Nam Sách. SKMT là loại sâu mới xâm nhập vào Việt Nam nhưng đã gây hậu quả nghiêm trọng cho cây ngô trong vụ xuân và hè thu.
Đây là loại sâu có sức tàn phá cây trồng lớn lại phát tán nhanh nên nếu không có biện pháp phòng trừ hiệu quả sẽ đe dọa tới năng suất cây trồng. Vụ đông này, người trồng ngô trong tỉnh đang vất vả đối phó để giảm thiểu tối đa thiệt hại do SKMT gây ra.
Theo ông Phạm Văn Sang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đoàn Kết (Thanh Miện), mặc dù HTX đã chủ động bám sát đồng ruộng, nắm bắt tình hình SKMT gây hại để đưa ra thông báo kịp thời cho người dân tích cực phòng trừ song kết quả vẫn không mấy khả quan.
SKMT vẫn khó khống chế và tiếp tục gây hại trên diện rộng. HTX khuyến cáo nông dân tăng cường biện pháp bắt sâu thủ công, nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì phải phun trừ đồng loạt để sâu mất nơi trú ẩn. Từ giờ tới lúc thu hoạch, HTX cùng người dân vẫn phải nỗ lực thì vụ ngô đông mới không thất thu.
Trước diễn biến của SKMT gây hại trên cây ngô, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh có văn bản khuyến cáo người dân các biện pháp phòng trừ phù hợp để vừa bảo vệ được cây trồng, vừa không lãng phí tiền bạc.
Ông Phạm Đức Lộc, Trưởng Phòng Nghiệp vụ (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh) cho biết: "SKMT nguy hiểm nhưng nếu biết cách ngăn ngừa thì cũng không đáng lo ngại.
Người dân không nên lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vì nếu sử dụng không đúng thời điểm sẽ không cho hiệu quả như mong muốn mà lại tốn kém và ảnh hưởng tới môi trường. Nông dân cần thực hiện kết hợp các biện pháp để diệt trừ SKMT, chỉ dùng thuốc hóa học phun trừ khi mật độ sâu lên đến 2 con/m2".
Về lâu dài, muốn phòng trừ hữu hiệu SKMT, nông dân phải quan tâm tới kỹ thuật canh tác, thực hiện luân canh cây trồng và xử lý đất hợp lý.
DŨNG CƯỜNG