“Nút thắt” trong sản xuất vụ đông

03/03/2023 06:00

Dù được coi là vựa rau màu lớn ở khu vực miền Bắc nhưng việc đầu tư cho công tác bảo quản sau thu hoạch của Hải Dương chưa được chú trọng. Phần lớn nông sản vẫn được bảo quản theo cách thủ công, rủi ro cao.


Hành tỏi ở thị xã Kinh Môn chủ yếu được bảo quản theo cách thủ công và phụ thuộc nhiều vào thời tiết


Hệ thống kho, xưởng bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế, công nghệ lạc hậu là “nút thắt” trong sản xuất vụ đông ở Hải Dương từ nhiều năm nay.

Thủ công và nhỏ lẻ

Thị xã Kinh Môn được mệnh danh là thủ phủ hành tỏi lớn nhất miền Bắc với diện tích gần 4.000 ha, sản lượng hành tỏi khô trên 60.000 tấn, giá trị kinh tế trên 1.000 tỷ đồng/vụ. Giá trị kinh tế “khủng” nhưng phương pháp bảo quản hành tỏi của người dân tại đây lại hết sức thủ công. Tất cả các khoảng trống như sân, vườn… thậm chí ven đường cũng thành nơi để dựng giàn phơi hành tỏi. 

Vụ này, gia đình chị Vũ Thị Hằng (ở thôn An Bộ, xã Hiệp Hòa) trồng 7 sào hành tỏi với sản lượng khoảng 2,5 tấn. Năm nay, hành được giá nên chị thu lãi lớn. Dù vậy, chị đang rất lo lắng vì thời tiết những ngày này. “Gia đình tôi thu hoạch hành vào đúng dịp mưa ẩm kéo dài nên hành bị rụng cuống, giá trị giảm nhiều. Năm nay nhuận 2 tháng 2 âm lịch nên dự báo trời nồm ẩm sẽ kéo dài, nông dân chúng tôi rất lo”, chị Hằng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Dị, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hiệp Hòa, hiện có khoảng 70% số hộ trồng hành tỏi trong xã này vẫn bảo quản theo phương pháp thủ công, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Hành tỏi được người dân thu hoạch và phơi tại đồng, sau đó mang về nhà và treo trên các giàn phơi. Thời tiết nắng ráo thì chất lượng hành tỏi được bảo quản tốt nhất. Còn thời tiết mưa ẩm, người dân phải sử dụng một số loại thuốc để bảo quản, cùng với hun khô bằng củi, than tổ ong, trấu… Một số hộ đã đầu tư lò sấy điện nhưng chi phí cao nên ít người sử dụng. 

Ngoài hành tỏi thì các loại rau vụ đông như su hào, cải bắp, su lơ, cà rốt… cũng là những nông sản có sản lượng thu hoạch cao. Hằng năm, diện tích trồng rau vụ đông toàn tỉnh khoảng 21.000 ha, sản lượng rau đạt trên 500.000 tấn. Một số mô hình liên kết sản xuất đã giúp đẩy nhanh việc tiêu thụ nông sản. Dù vậy, áp lực thời vụ khiến tỷ lệ nông sản bị tổn thất sau thu hoạch tăng, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu.

Một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh là củ cà rốt. Mỗi vụ, lượng cà rốt từ khắp các nơi đổ về các xưởng sơ chế trên địa bàn huyện Cẩm Giàng. Trong khi đó, xưởng sơ chế, đặc biệt là hệ thống kho lạnh chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Tỷ lệ cà rốt hao hụt phải bỏ đi do quá lứa chiếm khoảng 15%. Cũng chỉ cà rốt xuất khẩu mới được ưu tiên bảo quản trong các kho lạnh.

Không chỉ cà rốt, nhiều loại nông sản khác cũng chịu tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch cao. Ngoài ra, khâu bảo quản sau thu hoạch chưa tốt dẫn đến sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chủ yếu tiêu thụ trong nước nên bị ép giá.

Cản trở phát triển

Dù được coi là vựa rau màu lớn ở khu vực miền Bắc nhưng việc đầu tư cho công tác bảo quản sau thu hoạch của Hải Dương chưa được chú trọng. Phần lớn nông sản vẫn bảo quản theo cách thủ công, quy mô hệ thống kho lạnh chỉ ở mức khiêm tốn. Toàn tỉnh hiện có 208 cơ sở chế biến, 58 kho lạnh bảo quản nông sản, công suất bảo quản 1 kho lạnh từ 60-150 tấn.

Anh Nguyễn Đức Đoàn, Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương (Cẩm Giàng) chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là thiếu mặt bằng để xây dựng nhà kho, công xưởng chế biến, bảo quản nông sản. Hiện công ty có 11 kho lạnh nhưng mới chỉ đáp ứng 25% nhu cầu bảo quản lạnh của doanh nghiệp". Do thiếu hệ thống nhà kho nên công ty này phải thuê các thùng container để bảo quản lạnh. Các đơn hàng của công ty cũng chỉ dừng ở mức độ nhỏ lẻ. Ngoài bảo quản kho lạnh thì còn có các nhà xưởng để bảo quản nông sản sấy khô nhưng diện tích hạn chế. "Để nâng cao giá trị nông sản, tỉnh cần có những cơ chế, chính sách đủ mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này”, anh Đoàn kiến nghị.


Hệ thống kho lạnh của Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu sản xuất


Ông Nguyễn Văn An, Trưởng Phòng Chế biến thương mại và Ngành nghề nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) thừa nhận, công tác chế biến và bảo quản nông sản trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế. Nguyên nhân chính xuất phát từ sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, không chú trọng đổi mới công nghệ dẫn đến sự chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Các chính sách đầu tư cho bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch chưa nhiều, chủ yếu là các chính sách lồng ghép nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Trong bối cảnh các mặt hàng nông sản bị cạnh tranh khốc liệt cả ở thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt yêu cầu ngày càng cao về chất lượng thì khâu bảo quản sau thu hoạch phải được quan tâm nhiều hơn. Đây là khâu then chốt của quy trình sản xuất, vừa bảo quản các loại nông sản không hư hỏng, vừa nâng cao giá trị sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp và người dân rất cần được hỗ trợ về khoa học - công nghệ sau thu hoạch, đầu tư về tài chính, kiến thức đáp ứng được yêu cầu để bảo quản, nâng cao chất lượng các loại mặt hàng nông sản.

KHÁNH HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Nút thắt” trong sản xuất vụ đông