Tài chính - Ngân hàng

Vốn rẻ, ngân hàng ở Hải Dương nỗ lực "rã băng" tín dụng ngay từ đầu năm

HÀ KIÊN 10/03/2024 06:00

Các ngân hàng trên địa bàn Hải Dương đang đẩy mạnh nguồn vốn rẻ, kích thích nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp, nỗ lực “rã băng” tín dụng ngay từ đầu năm.

00:00

z5217817808617_03fc742a1b19d71c285089128564e0c5.jpg
Với nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất, dư nợ tại Vietcombank Chí Linh cuối tháng 2/2024 đã đạt mức tăng 2% so với cuối năm 2023, tăng 10,3% so với cuối tháng 2/2023

Tăng khả năng tiếp cận vốn

Chỉ sau 2 giờ kể từ khi đăng tải bộ hồ sơ vay vốn ngắn hạn lên ứng dụng ngân hàng điện tử của MB, anh Phạm Huy Uyên, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Đô 3, trụ sở tại TP Hải Dương đã nhận được thư điện tử thông báo chấp thuận khoản vay với hạn mức 7 tỷ đồng từ ngân hàng. “Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực gia công hàng may mặc, trong bối cảnh cạnh tranh về đơn hàng như hiện nay, chúng tôi cần bố trí nguồn vốn lưu động nhanh để có thể ra quyết định kịp thời. Do đó, được phê duyệt khoản vay qua ứng dụng ngân hàng điện tử chỉ sau vài tiếng đồng hồ thực sự tiện lợi”, anh Uyên cho biết.

Từ đầu năm 2024 đến ngày 7/3, công ty này là một trong 15 khách hàng được Ngân hàng MB chi nhánh Hải Dương cho vay thông qua ứng dụng ngân hàng điện tử. Tổng dư nợ nhóm khách hàng này đạt hơn 50 tỷ đồng, góp phần giúp ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng 4% đầu tháng 3/2024 so với cuối năm 2023.

Tại Sacombank Hải Dương, dư nợ tín dụng cuối tháng 2/2024 ghi nhận mức tăng 1,5% so với cuối tháng 2/2023. Đầu tháng 3, ngân hàng này đã giải ngân cho chị Bùi Thị Bốn, chủ hộ kinh doanh đồ điện tử ở thị trấn Gia Lộc vay 6 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Chị Bốn là khách hàng thứ 8 được ngân hàng này cho vay từ đầu tháng 3/2024 đến nay. Tổng dư nợ của 8 khách hàng này ước tính gần 15 tỷ đồng. “Nếu tính cả thời gian làm thủ tục vay vốn, chờ đăng ký thế chấp tài sản bảo đảm thì tôi chỉ mất 2 ngày là có tiền vay từ ngân hàng", chị Bốn chia sẻ.

Khoản vay của chị Bốn cũng được hưởng lãi suất tương đối thấp, ở mức 5,2%/năm. Triển khai các gói cho vay với lãi suất thấp cũng là giải pháp để các ngân hàng “bơm” dòng tín dụng ra thị trường. Vietcombank Chí Linh đang triển khai nhiều gói vay ưu đãi, lãi suất chỉ từ 5%/năm. Các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (gồm xuất khẩu; phát triển nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi 4%/năm. Nhờ đó góp phần giúp dư nợ tín dụng cuối tháng 2/2024 của ngân hàng này tăng 2% so với cuối năm 2023, tăng 10,3% so với cuối tháng 2/2023.

z5217817842974_ffb45f15f95a3bd99c95b500ff319e91.jpg
Lãnh đạo một số ngân hàng trong tỉnh nhận định dư địa để giảm lãi suất cho vay vẫn còn

Tính chung toàn tỉnh, mặt bằng lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam ở các ngân hàng phổ biến quanh mức 4,8-7%/năm với các khoản vay ngắn hạn, 7-9%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, giảm trung bình 2%/năm so với nửa cuối cuối năm 2023. Lãi suất các gói vay ưu đãi chỉ áp dụng với khoản vay mới, các khoản vay thông thường sẽ được giảm khi đến kỳ điều chỉnh lãi suất.

Lãnh đạo một số ngân hàng trong tỉnh nhận định, mức lãi suất cho vay hiện nay có thể nói là thấp nhất trong rất nhiều năm trở lại đây, thậm chí vẫn còn dư địa giảm thêm. Lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động trong ít tháng qua vì một lượng vốn lớn ở giai đoạn trước được các ngân hàng huy động với lãi suất cao chưa cho vay hết. Tuy nhiên, lượng vốn giá cao trước đây ngày càng giảm; đồng thời lãi suất huy động vẫn có xu hướng giảm nên dư địa giảm lãi suất cho vay vẫn còn.

Cung tín dụng đã có, chỉ lo cầu

Năm 2024 là năm đầu tiên Ngân hàng Nhà nước giao toàn bộ hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cho các ngân hàng thương mại, thay vì chia thành 2-3 đợt như những năm trước. Điều này nghĩa là các ngân hàng có thể lập kế hoạch cả năm để phân bổ cho vay nhóm khách hàng mục tiêu và các ngành theo mùa vụ mà không cần nhiều tháng chờ đợi, xin thêm, điều chỉnh như trước đây.

Ngay từ những ngày đầu năm 2024, Sacombank Hải Dương đã được bổ sung hàng chục nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay ưu đãi, giảm thủ tục, thời gian trong xét duyệt cho vay. Lãi suất thấp nhất đối với các khoản vay dành cho cá nhân ở ngân hàng này ở mức 6%/năm, với doanh nghiệp là 3%/năm, áp dụng với các khoản vay mới. Ngoài ra còn nhiều gói lãi suất ưu đãi dành cho tiểu thương, hộ kinh doanh.

“Chúng tôi đặt mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm với mong muốn chuyển tải nguồn vốn tín dụng kịp thời đến người dân, doanh nghiệp, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh”, bà Vũ Thị Thu Nga, Giám đốc Sacombank Hải Dương cho biết.

dsc_1757.jpg
Lãi suất giảm sẽ tăng khả năng hấp thụ vốn vay ngân hàng của người dân, doanh nghiệp

Tuy các ngân hàng đều tích cực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng với giải pháp cụ thể là hạ lãi suất cho vay, song đây chỉ là “điều kiện cần”. Bởi lẽ số tiền vay từ các ngân hàng còn phụ thuộc sức hấp thụ vốn từ doanh nghiệp, người dân. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương, dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng trong tỉnh đã tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm 2024. Dư nợ tín dụng cuối tháng 1 đạt 133.405 tỷ đồng, cuối tháng 2 đạt 131.600 tỷ đồng, giảm lần lượt 0,41% và 1,8% so với cuối năm 2023. Điều này cho thấy bên cạnh một số ngân hàng tăng trưởng dương cũng còn những ngân hàng tăng trưởng âm.

Ông Nguyễn Xuân Đức, Giám đốc MB Hải Dương cho rằng việc cấp room tín dụng ngay từ đầu năm tuy giúp các ngân hàng chuẩn bị tốt hơn về kế hoạch tăng trưởng, song để đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng là điều không dễ dàng. “Chúng ta cần đi qua nửa đầu năm 2024 mới có thể nhìn nhận rõ ràng hơn về tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng. Bởi đây là thời điểm có thể dự đoán tỷ lệ thành công từ kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó dự đoán nhu cầu sử dụng vốn vay ngân hàng”, ông Đức nói.

HÀ KIÊN
(0) Bình luận
Vốn rẻ, ngân hàng ở Hải Dương nỗ lực "rã băng" tín dụng ngay từ đầu năm