Hôm nay 2.12, giá cổ phiếu VNM đã giảm 2,63%, tức mất 3.200 đồng, còn 118.300 đồng. Vốn hóa VNM 211.577 tỷ đồng giờ còn khoảng 206.004 tỷ đồng, tức sụt giảm ước tính 5.573 tỷ đồng.
Vốn hóa Vinamilk sụt giảm sau tin đồn về nguyên liệu - Ảnh: TTO
Sau tin đồn, nghi vấn về nguyên liệu sữa của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán niêm yết VNM) lan truyền trên mạng, đơn vị này đã nhanh chóng gửi thông tin khẳng định các nguyên liệu ngoại nhập phục vụ việc sản xuất sữa bột của đơn vị đều có xuất xứ Mỹ, Úc, New Zealand, EU và Nhật Bản. Thêm vào đó, sản phẩm sữa tươi được sản xuất 100% từ sữa tươi nguyên liệu. Tuy nhiên, ghi nhận hôm nay 2.12, giá cổ phiếu VNM đã giảm 2,63%, tức mất 3.200 đồng, còn 118.300 đồng.
Trong khi trước đó, ngày 26.11, cổ phiếu VNM đã tăng lên 123.000 đồng. Vốn hóa VNM 211.577 tỷ đồng giờ còn khoảng 206.004 tỷ đồng, tức sụt giảm ước tính 5.573 tỷ đồng.
Về chứng khoán VN, thị trường đã đạt đỉnh 1.024,91 điểm vào ngày 6.11 với vốn hóa thị trường đạt 3.494.222 tỷ đồng, nhưng sau đó lại rơi vào xu hướng biến động và giảm điểm. Kết thúc phiên 21.11, chỉ số chứng khoán đã chính thức mất mốc 1.000 và tiếp tục giảm. Đến phiên hôm nay 2.12, tức sau 19 phiên kể từ ngày đạt đỉnh 1.024,91 điểm, vốn hóa thị trường chỉ còn 3.270.253 tỷ đồng, tức rớt 223.969 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 2.12, sàn VN-Index đã rơi đến 11,44 điểm, chỉ còn 959,31 điểm. Trong đó toàn sàn có 114 mã tăng giá, 52 mã đứng giá, 221 mã giảm giá (11 mã giảm sàn). Khối lượng giao dịch đạt trên 210,99 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 4.521 tỷ.
Rổ VN30 có sắc xanh ngắn hạn trong thời gian khoảng 9 giờ 15 sáng, tuy nhiên sau đó sắc đỏ bao trùm, lao dốc đến cuối phiên. Chốt phiên đầu tháng 12, rổ VN30 có 4 mã tăng giá, 1 mã đứng giá, 25 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch ước tính trên 92,04 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 3.036 tỷ.
Đóng cửa, sàn HNX chứng kiến 46 mã tăng giá, 240 mã đứng giá và 82 mã giảm giá với 10 mã giảm trần. Khối lượng giao dịch sàn này đạt trên 23,08 triệu cổ phiếu với hơn 262,26 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giảm mạnh phải kể đến nhóm bảo hiểm khi mất 2,08%, thực phẩm - đồ uống giảm 2,10%, ngân hàng rớt 2,43%, khai khoáng mất 2,46% và công nghệ - thông tin mất đến 2,95%.
Sắc xanh ít ỏi thuộc về nhóm thiết bị điện khi tăng nhẹ 0,15%, nhóm tài chính khác tăng 0,57%, nhóm chăm sóc sức khỏe tăng 0,58%.
Về nguyên nhân thị trường rực lửa, giảm điểm, ông Phan Dũng Khánh (Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Kim Eng) nhận định một trong những lý do lớn đến từ Thông tư 22 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.
Kể từ khi nghe thông tư này, chứng khoán bắt đầu giảm mạnh đến nay, không phục hồi nổi. Thông tư làm nhiều nhà đầu tư lo ngại về dòng tiền. Dù Ngân hàng Nhà nước nói thắt chặt mảng cho vay bất động sản thôi, nhưng việc hạ tỉ lệ từ cho vay trên số dư di động và hỗ trợ ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn cho thấy dòng tiền bị thắt chặt vào các kênh đầu tư mạo hiểm. Bất động sản là một trong các kênh đầu tư mạo hiểm và chứng khoán cũng vậy nên bị ảnh hưởng.
Trước đó, giữa tháng 11 năm nay, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 22 quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể, từ ngày 1.1.2020 đến 30.9.2020, tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn là 40%, từ tháng 10.2022 giảm còn 30%.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.
Ngoài ra, theo ông Khánh, khối ngoại có xu hướng mua ròng nhẹ trở lại nhưng việc này mang tính chất xen kẽ nhau, chứ không chủ động như các đợt trước, ảnh hưởng đến dòng tiền. Bên cạnh đó, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong năm 2019 có số lượng chứng chỉ quỹ giảm đáng kể, cho thấy dòng tiền của các nhà đầu tư khác rút khỏi quỹ, khiến họ phải điều chỉnh giảm số lượng chứng chỉ quỹ xuống, nghĩa là họ bán ra. Do đó tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Theo Tuổi trẻ