Thị trường

Khó dự báo hơn về xu hướng của thị trường chứng khoán trong quý 2

TN (Tổng hợp) 08/04/2024 10:45

Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn phải đối diện với những yếu tố bất lợi như khối ngoại liên tục bán ròng cộng và tỷ giá và lãi suất liên ngân tăng trở lại.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Giới phân tích nhìn nhận, áp lực tỷ giá trong nước tăng cao dự kiến sẽ kéo dài hết quý 2/2024, trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chính thức cắt giảm lãi suất.

Thanh khoản tiền đồng Việt Nam (VND) có thể sẽ bị kiểm soát chặt hơn và lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng có khả năng tăng lên. Điều này được dự báo sẽ tạo áp lực ngắn hạn lên đà tăng của thị trường chứng khoán.

Theo Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), tháng 4, thị trường chứng khoán đón nhận các thông tin quan trọng, bao gồm tăng trưởng GDP và tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết.

Cùng với đó là động thái tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước đối với vấn đề điều hành tỷ giá sau khi đã phát hành khoảng 150.000 tỷ đồng tín phiếu.

ACBS đánh giá VN-Index đang kiểm chứng vùng 1.280-1.300 điểm, đây là vùng kháng cự quan trọng. Thanh khoản duy trì đà tăng tích cực, ủng hộ cho diễn biến tăng giá của VN-Index trong trung hạn.

Tuy nhiên, những yếu tố có thể kìm hãm đà tăng ngắn hạn của VN-Index đang dần xuất hiện. Vì vậy, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục trong giai đoạn này, vùng dao động dự kiến của VN-Index 1.230-1.300 điểm.

Theo dữ liệu lịch sử thị trường chứng khoán không ít lần “lao dốc” vào tháng 5. Thực tế, điều này là không xa lạ với các thị trường chứng khoán trên thế giới. Bởi theo giới phân tích, nguyên nhân giảm điểm của tháng 5 đến từ việc thị trường thiếu vắng thông tin.

TTXVN_0804chungkhoan.jpg
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến của cổ phiếu HTG trong phiên giao dịch đầu tiên trên HOSE. (Ảnh: Hứa Chung/ TTXVN)

Hơn nữa, đầu tháng 5 có kỳ nghỉ lễ, sau đó cũng là mùa cao điểm du lịch. Người dân có xu hướng rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán để phục vụ cho nhu cầu cá nhân nên thị trường giảm điểm và thanh khoản cũng sụt giảm theo.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 4/2022, VN-Index đã lập đỉnh lịch sử trên 1.500 điểm, sau đó lao dốc rất mạnh. Cho đến nay, chỉ số này vẫn chưa thể hồi phục và vẫn đang cố gắng vượt mốc 1.300 điểm.

Lãi suất thị trường liên ngân hàng mấy ngày qua có tín hiệu bật tăng mạnh lên tới 4,59%/năm và đã gần chạm trần lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (5%). Đây là mức lãi suất cao nhất của thị trường liên ngân hàng kể từ tháng 5/2023 đến nay.

Lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã có 5 phiên tăng mạnh liên tiếp, từ mức 0,28%/năm ghi nhận vào ngày 28/3 lên 4,59%/năm trong phiên 3/4, tức tăng gấp gần 15 lần chỉ trong vòng 1 tuần.

Lãi suất và thị trường chứng khoán có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Lãi suất giảm sẽ thúc đẩy dòng tiền sang thị trường chứng khoán, trong khi lãi suất tăng sẽ khiến thị trường chứng khoán giảm.

Do các diễn biến mới này, giới phân tích cho rằng, sẽ khó dự báo hơn về xu hướng của thị trường chứng khoán trong quý 2.

Các chuyên gia từ ACBS cho biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục duy trì lãi suất điều hành trong cuộc họp định kỳ tháng 3/2024 với thông điệp nhất quán về việc cần chờ đợi thêm số liệu lạm phát để quyết định về thời điểm cắt giảm lãi suất.

Dự báo phổ biến nhất của thị trường hiện tại là Fed sẽ cắt giảm lãi suất điều hành 3 lần trong năm 2024 và lần cắt giảm đầu tiên sẽ bắt đầu vào tháng 6/2024. Tuy nhiên, Fed nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2024 từ 1,4% lên 2,1%, cho thấy sự tự tin hơn về khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế.

Việt Nam tiếp tục chính sách ổn định vĩ mô, giữ ổn định tỷ giá duy trì nền lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Quý 1, các chỉ số vĩ mô cho thấy một nền tảng tốt, tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng vẫn còn yếu và lạm phát vẫn có nguy cơ rình rập.

Điểm tích cực là các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán tiếp tục được triển khai quyết liệt, có các bước tiến mới, ví dụ như: Lộ trình áp dụng hệ thống giao dịch mới KRX, dự thảo bỏ điều kiện pre-funding (nhà đầu tư khi muốn đặt lệnh cần ký quỹ đủ 100% tiền hoặc chứng khoán trong tài khoản giao dịch) cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Chuyên gia từ ACBS cho rằng, tiêu điểm thông tin trong tháng 4/2024 là tỷ giá USD/VND và xu hướng lãi suất, thanh khoản VND; tăng trưởng GDP quý 1/2024 và kết quả kinh doanh quý 1/2024 của các doanh nghiệp niêm yết.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến sôi động trong quý đầu năm 2024. Liên tiếp là những phiên giao dịch có thanh khoản từ 1-2 tỷ USD đã giúp VN-Index chinh phục vùng đỉnh cũ năm 2023 (mốc 1.250 điểm).

Theo Công ty Cổ phần chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), hoạt động giao dịch sôi động trong tháng 3 tiếp tục thúc đẩy giá trị giao dịch trung bình hàng ngày lên mức cao kỷ lục là 26,7 nghìn tỷ đồng, tăng 28% so với tháng trước, đạt đỉnh kể từ tháng 1/2022.

Các phiên tăng điểm trong tháng 3 đã được củng cố bởi sự tham gia tích cực của nhà đầu tư cá nhân trong nước, kết hợp với tâm lý giao dịch tích cực tiếp tục được thúc đẩy bởi các đợt tăng điểm liên tiếp trong 5 tháng trước đó.

Cụ thể, nhóm này đã mua vào hơn 11.100 tỷ đồng trong tháng 3, nâng mức mua ròng kể đầu năm là 16.200 tỷ đồng, đánh dấu tháng mua ròng lớn nhất của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước kể từ tháng 11/2021.

Thực tế cho thấy, nhà đầu tư cá nhân trong nước là động lực chính dẫn dắt thị trường chung đi lên. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm tỷ trọng lớn nhất cũng mang đến những rủi ro cho thị trường chung. Bởi theo giới phân tích, nhà đầu tư cá nhân với thường có đặc điểm ưa thích sử dụng đòn bẩy cao và dễ bị các tin tức ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư. Qua đó, dễ gây những biến động lớn cho thị trường chung.

Bên cạnh đó, khối ngoại đã liên tiếp bán ròng gây áp lực nhất định lên thị trường chung. Quý 1/2024, khối ngoại đã bán ròng 13.872 tỷ đồng trên sàn HOSE, cao hơn 50% giá trị bán ròng trong cả năm 2023.

Trong tuần qua, khối ngoại đã bán ròng 15.681 tỷ đồng trên toàn thị trường. Đây là tuần bán ròng thứ 7 liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài.

Không chỉ năm nay khối ngoại mới bán ròng mà xu thế bán ròng đã xuất hiện vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm khoảng 10%, do đó giới phân tích cho rằng không có tác động quá nhiều đến thị trường chung. Dù vậy, việc mua bán của nhà đầu tư nước ngoài phần nào đó ảnh hưởng tới quyết định mua bán của nhà đầu tư trong nước.

Tại Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính-ngân sách nhà nước tháng 3/2024, Bộ Tài chính cho biết, trong tháng vừa qua, diễn biến thị trường chứng khoán có các phiên tăng, giảm đan xen, nhưng vẫn theo xu hướng tăng.

Tính đến ngày 27/3/2024, VN-Index đạt 1.283,09 điểm, tăng 2,3% so với cuối tháng trước và tăng 13,6% so với cuối năm 2023. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 6,66 triệu tỷ đồng, tăng 12,2% so với cuối năm 2023, tương đương 65,2% GDP ước tính năm 2023.

Hiện thị trường có 736 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán, 870 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên thị trường UPCOM và gần 7,4 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán.

Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện các vấn đề lớn về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, cơ cấu lại thị trường chứng khoán, thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Để nâng hạng thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE Russell và MSCI nhằm tìm hiểu các tiêu chí phân loại thị trường của các tổ chức này và trao đổi thông tin về các nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường. Đến nay, cơ quan quản lý đã ban hành 116 quyết định xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán, với tổng số tiền xử phạt khoảng 20.100 tỷ đồng.

TN (Tổng hợp)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó dự báo hơn về xu hướng của thị trường chứng khoán trong quý 2