Vốn ảo đi liền với tài sản ảo. Đây là kẽ hở của pháp luật bị những đối tượng như ông Trịnh Văn Quyết lợi dụng để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Bộ Công an vừa công bố kết luận điều tra, xử lý vụ án hình sự về tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC và một số công ty liên quan do ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC và đồng phạm thực hiện. Điểm nhấn của vụ án này chính là chiêu trò nâng khống vốn chủ sở hữu của Công ty CP Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS) lên hàng nghìn tỷ đồng, rồi niêm yết trên HOSE để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. ROS là một trong số nhiều công ty con trong hệ sinh thái của Tập đoàn FLC.
Vì sao ROS liên tục tăng khống vốn chủ sở hữu qua nhiều năm trước khi trở thành công ty đại chúng vào năm 2016 mà không cơ quan quản lý nào phát hiện ra? Về nguyên tắc, bảng cân đối kế toán của một doanh nghiệp luôn thể hiện một cột là tài sản và cột còn lại là nguồn vốn. Hai cột này thể hiện số tiền bằng nhau. Cột tài sản, gồm tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Cột nguồn vốn gồm vốn chủ sở hữu và nợ phải trả. Vốn chủ sở hữu bao gồm vốn điều lệ hay còn gọi là vốn cổ phần và các loại vốn khác như cổ phiếu quỹ, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận chưa phân phối... Vốn điều lệ của một doanh nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ trong vốn chủ sở hữu, nó phản ánh mệnh giá 1 cổ phiếu thường là 10.000 đồng. Trong khi phần vốn còn lại có thể tăng hoặc giảm tùy lợi nhuận chưa phân phối của doanh nghiệp. Giá cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán phần nào phản ánh vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
ROS được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng. Trong 3 năm, từ 2014-2016, ROS đã 5 lần tăng vốn để đạt 4.300 tỷ đồng. Trước khi được niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2016, ROS buộc phải có báo cáo kiểm toán kết quả kinh doanh năm 2015. Theo báo cáo tài chính của ROS năm 2015, tổng tài sản của doanh nghiệp này là 4.522 tỷ đồng, trong đó gần 3.100 tỷ đồng vốn điều lệ, còn lại là lợi nhuận chưa phân phối, nợ phải trả... Tuy nhiên, toàn bộ số vốn không được ROS đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mà là ủy thác đầu tư vào một số doanh nghiệp, cá nhân.
Cuối tháng 10/2023, khi cơ quan công an công bố kết luận điều tra mới lộ thủ đoạn "thổi vốn" chủ sở hữu ROS và cái gọi là "ủy thác đầu tư" của ông Trịnh Văn Quyết. Quá trình tăng vốn của ROS thực chất chỉ có gần 1.200 tỷ đồng tiền thật do các cổ đông góp theo chỉ đạo của ông Quyết. Sau khi tiền được chuyển vào ROS thì ngay lập tức ông Quyết chỉ đạo lập chứng từ khống để rút số tiền này, rồi ủy thác cho nhiều tổ chức, cá nhân mà sau này cơ quan công an xác minh đó là các doanh nghiệp có liên quan đến ông Quyết và các cá nhân dưới quyền được ông Quyết nhờ đứng tên hộ. Số tiền vừa rút ra lại được quay ngược lại chuyển vào ROS để ghi nhận tăng vốn. Với nhiều vòng lặp như trên, ông Quyết đã nâng khống vốn của ROS lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng 430 triệu cổ phần và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn HOSE.
Với tiếng tăm đã gây dựng được cùng hệ sinh thái FLC, nhiều nhà đầu tư đã không nhìn ra chiêu trò của ông Quyết mà mua bằng niềm tin các cổ phiếu ROS. Ngay phiên chào hàng ngày 1/9/2016, cổ phiếu ROS được giao dịch với giá 12.600 đồng. Đỉnh điểm vào tháng 5/2017, cổ phiếu ROS được "thổi" lên 187.000 đồng, tương đương với vốn hóa của ROS lên đến 80.410 tỷ đồng. Ở thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng nếu bỏ 100 triệu đồng mua cổ phiếu ROS năm 2016, đến tháng 5/2017, số tiền thu về gần 1,5 tỷ đồng. Khi các nhà đầu tư đang "say sóng" với cổ phiếu ROS, tháng 2/2021, ông Quyết bán toàn bộ cổ phiếu ROS đang sở hữu và của nhiều cá nhân do ông Quyết nhờ đứng tên hộ, chiếm đoạt hơn 6.412 tỷ đồng. Hiện tại cổ phiếu ROS bị hủy niêm yết. Trước khi bị hủy niêm yết, giá cổ phiếu ROS còn 2.500 đồng.
Theo nguyên tắc kế toán, vốn chủ sở hữu bằng tài sản trừ đi nợ phải trả. Từ khi thành lập cho đến khi sự việc bị phanh phui vào năm 2022, ROS gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vốn góp của các cổ đông thực chất do ông Quyết "đạo diễn" sau khi nộp vào đã được rút ra ngay để nâng khống vốn chủ sở hữu cho ROS. Như vậy, thực chất tài sản của ROS không có nên nguồn vốn là ảo.
Nhiều nhà đầu tư ở Hải Dương mất tiền vì mua cổ phiếu ROS. FLC từng có cơ hội đầu tư một số dự án bất động sản lớn tại Hải Dương nhưng tiến độ triển khai rất chậm, đình trệ. Vì vậy tỉnh Hải Dương đã dừng hợp tác với tập đoàn này liên quan đến các dự án nói trên.
PHƯƠNG LINH