Tổ quốc ta thời 4.0 không thể bị coi là nhỏ bé, yếu kém mà đã vươn lên sánh ngang với bạn bè quốc tế. Cả đất nước bình an, đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
TP Hồ Chí Minh - vùng kinh tế trọng điểm của cả nước
Tổ quốc luôn là nguồn cảm xúc và đau đáu suy tư của tất cả người Việt Nam yêu nước. Đó cũng là đề tài vô tận của thơ, văn, báo chí và những cuộc luận bàn quanh ấm trà. Có lẽ không nhà thơ nào không có thơ nói về Tổ quốc. Xuân Diệu có câu thơ “Tổ quốc tôi như một con tàu” (Mũi Cà Mau) và bản tráng ca “Ngọn quốc kỳ” viết năm 1945. Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Mặt đường khát vọng” đã dành hẳn một chương nói về đất nước với những hiểu biết sâu sắc về văn hóa và lịch sử...
Những câu thơ nêu trên cách ta từ 45-75 năm mà sao đọc lên vẫn thấy đúng, thấy hay và xúc động. Vậy mà cho đến năm 2020 này còn có những cán bộ, chính khách trong khi phát biểu vẫn dùng cụm từ “Đất nước Việt Nam nhỏ bé”, “Dân tộc Việt Nam nhỏ bé”. Lại có người vẫn nói Việt Nam là nước “nhược tiểu”. Những từ “nhỏ bé”, “nhược tiểu” được sinh ra trong thời Pháp còn đô hộ. Đó là những từ bọn xâm lược dùng với ý coi thường dân tộc ta. Nay nếu ai vẫn dùng tức là không hiểu gì về địa lý, lịch sử đất nước hoặc vẫn còn tư tưởng tự ti dân tộc.
Vậy Việt Nam ta có nhỏ bé không? Có là nhược tiểu không?
Khách quan mà trả lời: Nước ta hiện tại chưa phải là nước giàu, cũng chưa phải là cường quốc nhưng không phải là nhỏ bé và dứt khoát chưa bao giờ “nhược”. Ta có cơ sở để nói nước ta không nhỏ bé. Nếu cộng cả đất và nước, Việt Nam có diện tích khoảng 1.330.000 km2, từng mét vuông đều sử dụng được, khác với Nga có vùng Siberia rất rộng với mùa đông dài khắc nghiệt, Canada có rất nhiều diện tích gần Bắc cực quanh năm băng giá hay Algeria hầu hết diện tích là sa mạc giá trị sử dụng rất thấp.
Về dân số, không lâu nữa Việt Nam có 100 triệu dân, sẽ là nước đông dân thứ 11 trên thế giới.
Diện tích và dân số Việt Nam như thế sao gọi là nhỏ bé? Còn có là nước “nhược” (yếu) hay không? Xin lướt qua lịch sử sẽ rõ. Mãi đến năm 1945 nước ta mới có 25 triệu người thì thế kỷ X, XIII, XV và XVIII chúng ta có bao nhiêu người mà đã đánh thắng các đội quân mạnh: Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Rồi "nhược" sao lại thắng quân Pháp, nhất là Mỹ? “Nhược” sao ta đánh bọn Pol Pot có hơn một tháng giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chính quyền Khmer Đỏ diệt chủng? “Nhược” sao ta đánh tan 50 vạn quân Trung Quốc ở biên giới phía Bắc 1979. “Nhược” sao ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ có mấy ngày vào giải phóng Sài Gòn, xóa bỏ chế độ ngụy quyền, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng ta đã thắng bao nhiêu quân xâm lược, đặc biệt là hai bá chủ thế giới: Quân Nguyên (thế kỷ XIII), Mỹ (thế kỷ XX). Những sự kiện nêu trên cả thế giới đều biết và thán phục, kể cả nước thua trận.
Đất nước ta không thể nói là nhỏ bé và yếu kém. Vậy trong thời đại 4.0, vóc dáng, cái tầm, cái vị thế của Tổ quốc ra sao? Xin chưa kết luận vội, e sẽ là chủ quan. Chúng ta hãy xem xét thực tiễn một cách toàn diện. Trước hết nói về nền chính trị - xã hội Việt Nam ta hiển nhiên là nước có độc lập, có toàn vẹn lãnh thổ. Xã hội ta công bằng dân chủ với bản sắc văn hóa dân tộc. Cả đất nước bình an, không có nổi loạn, không có khủng bố dù là bằng hình thức nào đi nữa. Những hội nghị quốc tế lớn họp tại Việt Nam. Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chọn Việt Nam làm nơi gặp gỡ đều rất an toàn.
Về văn hóa, giáo dục, năm 1945 khi Cách mạng Tháng Tám thành công, 95% số dân nước ta không biết chữ. Vậy mà chỉ hơn 20 năm sau, chúng ta đã xóa mù chữ, phổ cập THCS. Rồi trường học khắp nơi đều xây dựng kiên cố, đẹp đẽ. Các làng văn hóa, khu dân cư văn hóa ở khắp nơi, rồi đến xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới. Trình độ cán bộ của ta cũng nâng lên rõ rệt. Cán bộ cấp xã cho đến cấp cao hơn có bằng đại học là phổ cập. Số thạc sĩ, tiến sĩ cũng rất nhiều. Ở nông thôn ngày nay, rất nhiều nông dân sáng chế máy móc. Từ máy thái rau, thái hành, tẽ ngô, đến robot gieo hạt... do nhiều "kỹ sư chân đất" tạo ra.
Về kinh tế, từ một nước dân chết đói hơn 2 triệu người năm 1945, rồi chiến tranh, bao cấp, Mỹ cấm vận, kinh tế nước ta kiệt quệ, thiếu từ bát cơm đến cái kim sợi chỉ, nay ta đã thừa ăn và thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Công nghiệp dầu khí, xi măng, điện, sắt thép, chế tạo máy, may mặc, sản xuất hàng tiêu dùng… do người Việt đảm nhiệm có ở khắp nơi.
Về xây dựng, không biết bao nhiêu công trình cao tầng được dựng lên ở các thành phố. Rồi các danh lam thắng cảnh, khu vui chơi giải trí mọc khắp nơi. Bao đường cao tốc xuất hiện, nhiều cầu lớn vượt biển, vượt sông. Các phương tiện giao thông công cộng, cá nhân… nhiều vô kể.
Đi khắp các vùng quê thấy nhà cửa khang trang, sạch đẹp. Điện thắp sáng đến cả vùng hẻo lánh. Số hộ nghèo còn rất ít. Hầu hết dân ta đã bỏ qua giai đoạn ăn no mặc ấm để sang ăn ngon mặc đẹp. Vì thế, trong đại dịch Covid-19, xã hội ta mới ổn định. Nhà nước mới có 62.000 tỷ đồng cứu trợ nhân dân. Đây là việc làm từ khi Đảng ta được thành lập nay mới có (theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói). Còn rất nhiều điều tốt đẹp của đất nước mà không thể kể hết.
Đương nhiên bên cạnh mặt tích cực, đất nước ta còn nhiều hạn chế như tham nhũng, bệnh thành tích, tệ nạn xã hội… chúng ta đang quyết tâm đấu tranh. Nhiều vụ việc đã bị đưa ra ánh sáng. Bao cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, bị phạt tù. Song cái thế đi lên của đất nước ta vẫn là cơ bản. Tổ quốc ta thời 4.0 như một cơ thể cường tráng. Vị thế ngoại giao quốc tế của ta nay đã khác. Việt Nam hiện có mối quan hệ ngoại giao với 189 nước trên thế giới. Chúng ta có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ba nước: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ; quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước; quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước khác; quan hệ kinh tế với 220 thị trường nước ngoài. Việt Nam là thành viên của 7 tổ chức quốc tế...
Với tinh thần khiêm tốn của người Việt Nam, từ thực tế diễn ra, chúng ta có quyền khẳng định vóc dáng “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ”, một vẻ đẹp “Hùng vĩ thay, toàn thân đất nước/ Tựa Trường Sơn vươn tới Trường Sa/ Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước/ Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa” (Tố Hữu). Tự hào biết mấy về Tổ quốc Việt Nam thời đại 4.0. Càng tự hào, chúng ta càng nhận rõ trách nhiệm của mình với Tổ quốc.
VĂN DUY