Imane Khelif thắng dễ vận động viên Trung Quốc Yang Liu ở chung kết quyền anh hạng 66kg nữ Olympic Paris 2024, giúp Algeria đoạt huy chương vàng đầu tiên trong lịch sử tại Thế vận hội.
Hàng trăm cổ động viên đã kéo đến Roland Garros hôm 9/8 cùng lá cờ Algeria. Nhiều người không quan tâm tới quyền anh nhưng vẫn dự khán để ủng hộ Khelif trước làn sóng chỉ trích và những tranh cãi giới tính kể từ đầu Thế vận hội.
Tương tự trận tứ kết với Anna Luca Hamori (Hungary) rồi bán kết Janjaem Suwannapheng (Thái Lan), võ sĩ Algeria vẫn áp đảo, được chấm điểm cao hơn qua cả ba hiệp chung kết và thắng 5-0. Cô trở thành vận động viên nữ đầu tiên của Algeria giành huy chương ở một kỳ Thế vận hội, và đó là tấm huy chương vàng.
"Tám năm qua tôi luôn mơ về tấm huy chương này và giờ tôi là nhà vô địch Olympic", Khelif nói với vẻ tự hào về thành quả, rồi gửi lời cảm ơn tới đông đảo người hâm mộ đã tới sân để cổ vũ, ủng hộ cô.
Khelif nhảy phấn khích trên võ đài, tạo dáng chụp ảnh trước máy quay trước khi ôm chầm lấy huấn luyện viên. Cô được huấn luyện viên công kênh trên vai, đi quanh võ đài trước sự tán dương của người hâm mộ và lấy lá cờ Algeria từ một người trên khán đài để mừng chiến thắng lịch sử.
Khelif hôn gió và vẫy tay chào đám đông khi dự lễ trao giải, chào cờ. Rưng rưng nước mắt, võ sĩ 25 tuổi hôn chiếc huy chương vừa được đeo lên cổ. Toàn bộ người hâm mộ trong đấu trường đã hát theo Khelif trong nghi thức cử quốc ca Algeria. Sau đó, cô cùng ba vận động viên đoạt huy chương giơ tay và chụp ảnh lưu niệm.
Khelif trải qua kỳ Thế vận hội sóng gió, khi hứng bão chỉ trích từ người hâm mộ cũng như những người nổi tiếng như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, tác giả Harry Potter, JK Rowling hay tỷ phú Elon Musk.
Nguồn cơn bắt đầu khi võ sĩ Algeria bị loại khỏi chung kết giải vô địch nữ thế giới 2023 vì có nồng độ testosterone cao, vượt tiêu chuẩn. Hiệp hội Quyền anh quốc tế (IBA) vào cuộc, làm xét nghiệm DNA và phát hiện Khelif mang nhiễm sắc thể XY. Đơn vị này nói rằng cô "có lợi thế hơn những phụ nữ khác".
Tuy nhiên, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vẫn cho phép Khelif thi đấu tại Paris 2024 với tư cách vận động viên nữ, bằng việc xác thực giới tính qua hộ chiếu và các giấy tờ y tế, tương tự các phương pháp đã dùng tại Tokyo 2020 và nhiều giải quốc tế khác.
Trong cuộc phỏng vấn cuối tuần trước, Khelif kêu gọi ngừng chỉ trích vì điều này có thể "hủy diệt con người, giết chết suy nghĩ, tinh thần và tâm trí của con người". Cô cũng xem việc giành huy chương vàng quyền anh Olympic sẽ là cách tốt nhất để đáp trả những áp lực vì tranh cãi giới tính, và đã thành công.
Hành trình của võ sĩ 25 tuổi đã truyền cảm hứng cho nhiều người. "Một tuần trước, tôi không biết gì về quyền anh", Belabed - một người gốc Algeria đang sống tại Paris - nói khi tới xem trận chung kết. "Nhưng tôi ở đây vì chuyện đã xảy ra với Khelif. Tôi nghĩ Khelif trở thành vật tế thần trong một diễn biến bị chính trị hóa, trong khi cô ấy chỉ muốn chơi thể thao".
Tương tự, Agnes Lipeb, người đến từ Versailles, Pháp, không biết luật quyền anh, nhưng vẫn đến để cổ vũ võ sĩ Algeria. "Tôi cảm thấy sự ngược đãi và bắt nạt mà Khelif hứng chịu từ cả thế giới thật điên rồ", Lipeb nói. "Tôi cảm thấy cô ấy cần nhiều tình yêu hơn bao giờ hết".
TB (theo VnExpress)