Đang giờ nghỉ trưa, chuông cửa reo liên hồi khiến anh Sơn vừa chợp mắt bỗng giật mình.
Chị Hoa, vợ anh bật dậy như lò xo, chạy vội xuống nhà mở cửa. Đây không phải là lần đầu tiên có người giao hàng vào giờ nghỉ trưa nhưng dạo gần đây tần suất tăng lên khiến anh Sơn không hài lòng. Chị Hoa mang đồ lên phòng ngủ, mặc thử vào người, quay ngang, quay dọc trước gương rồi mặt xầm xì: “Cái đầm này vừa nhưng màu xấu, không tươi như trong ảnh. Thôi, mai em cho cái Thúy”. Anh Sơn nghe thế, bật dậy: “Em nghĩ tiền như lá mít hái được trên cây nhỉ? Em vừa phải thôi, tủ đồ chật ứ váy vó rồi”. “Ơ anh hay nhỉ, phụ nữ chỉ hơn nhau tấm áo manh quần...”. “Nhưng em xem, em mua online 10 cái thì em chán và cho hoặc bỏ xó mấy cái?”... Cuộc khẩu chiến diễn ra một hồi, thế là hết giờ nghỉ trưa. Hai vợ chồng đi làm vẫn mặt nặng mày nhẹ.
Vừa đến cơ quan, anh Sơn đã trút ra một tràng với đồng nghiệp: “Này, mấy ông cho tôi hỏi, vợ các ông có nghiện mua sắm online không? Vợ tôi cứ rảnh tay là lướt điện thoại. Hãng thời trang nào cô ấy cũng bấm thích, có mốt gì mới cô ấy cũng đặt mua nhưng vừa mặc vào người đã chán. Tôi nói thì cô ấy giận dỗi, bực quá”. Được thể, các anh em cùng phòng thi nhau hùa vào. “Vợ em mua trực tiếp ở cửa hàng, mặc vào ưng ngay nhưng về đến nhà là chán, có cái đầm chỉ mặc một lần chụp ảnh thôi”. “Ăn thua gì, vợ tôi có hẳn bốn tủ quần áo cho bốn mùa, trong khi tôi chỉ có nửa tủ thôi. Các nàng ấy váy vó, túi xách, quần áo, đồ trang sức, mỹ phẩm... vô số thứ, phiền toái lắm. Kiểu như nghiện mua sắm ấy, không mua không chịu được. Góp ý thì bảo chồng không tâm lý, ki bo nhưng nghĩ nó lãng phí, tiền ấy mà mua sữa cho con, đóng học cho con thì rủng rỉnh”. Anh Sơn thở dài, nghĩ cách làm lành với vợ và giúp vợ cai nghiện mua sắm.
Nhớ lại những ngày tháng dịch bệnh Covid-19 hoành hành, việc mua sắm online thuận tiện, chính anh Sơn cũng nhờ vợ đặt mua hàng online. Những lần săn được hàng giảm giá sâu, anh vui lắm. Anh còn khuyến khích vợ từ nay mua hàng online cho rẻ. Ai ngờ, khi mua sắm online trở thành thói quen, chị Hoa thường xuyên đặt mua đồ. Mua hàng trên mạng, cái thì tốt, cái thì chất lượng kém nên anh Sơn không còn hứng thú nữa.
Gần đây, cứ vài hôm anh Sơn lại thấy vợ mua thêm váy áo. Chị Hoa quan niệm, quần áo mặc một lần chụp ảnh đưa lên mạng xã hội là thành đồ cũ, lần sau chị không thích mặc lại nữa. Anh bực, khuyên chị nhưng chị không nghe: “Mình có phải diễn viên hay người của công chúng đâu. Nhà mình có là đại gia đâu mà em không chịu mặc lại quần áo?”. Chị vùng vằng: “Có vài trăm bạc một cái mà anh tiếc với vợ”. “Nhưng em xem, em mua nhiều thế mà có cái nào ra hồn đâu, chưa được dăm bữa nửa tháng em đã thải”. “À, anh chê em mặc xấu chứ gì”. “Anh nói thật thì em tự ái, thà mua ít mà chất lượng còn hơn. Từ nay em cai mua sắm dần đi”. Chị Hoa vẫn vùng vằng: “Mua sắm là niềm vui của phụ nữ, sao anh lại bắt em cai. Em mà đi mua sắm hàng hiệu còn tốn nữa”. Anh Sơn chỉ biết lắc đầu ngao ngán...
Mấy hôm nay trời mưa suốt do ảnh hưởng của bão. Nhà cửa ướt nhèm nhẹp vì trần tầng ba bị nứt, dột. Anh Sơn gọi thợ đến xem xét để sửa chữa, khắc phục. Tính toán nguyên vật liệu, công thợ cũng tốn hàng chục triệu đồng. Thằng con lớn đăng ký học IELTS ở trung tâm tiếng Anh, học phí cũng vài chục triệu. Chị Hoa kiểm tra tài khoản, sửng sốt vì chẳng còn bao nhiêu tiền, chỉ đủ tiêu nhì nhằng, chợ búa. Cứ đà này, vợ chồng chị có việc lớn là phải đi vay mượn. Chị giật mình nhận ra mình đã mua sắm quá đà, lãng phí. Riêng tiền quần áo, mỹ phẩm hằng tháng cũng ngốn từ 5-7 triệu. Chị bèn tìm cách cai nghiện mua hàng online, bỏ thích tất cả các trang bán hàng online trên Facebook. Chị xóa hết lịch sử trên máy tính về các trang web buôn bán. Chị khóa cả dịch vụ chuyển khoản qua mạng...
Cuối tuần này, cơ quan anh Sơn tổ chức đi biển hai ngày nhưng anh không thấy vợ háo hức chuẩn bị váy áo như mọi lần. Anh Sơn ngạc nhiên: “Vợ không thích chụp ảnh nuôi Facebook nữa à?”. Chị Hoa cười cười: “Có chứ, thỉnh thoảng em sống ảo một tí cho đời nó vui nhưng em mặc váy cũ thôi, mua nhiều tốn tiền lắm. Em sắp cai nghiện mua sắm online được rồi đấy”. Anh Sơn mừng quá, nhất định ngày mai đến cơ quan anh phải kể lại chuyện này cho đồng nghiệp mới được.
TRẦN LÀNH