Các nhà lãnh đạo trẻ đã có cơ hội trao đổi với các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo tư tưởng của Singapore và Việt Nam về các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường, cũng như thảo luận về các giải pháp hợp tác.
Trong 8 ngày diễn ra Chương trình Thanh niên Bằng hữu ASEAN (AYF) tại Singapore và Việt Nam, 40 nhà lãnh đạo trẻ đến từ 10 quốc gia ASEAN có cơ hội được tiếp xúc với những quan điểm mới mẻ thông qua các chuyến thăm quan tại các tổ chức đi đầu về đổi mới trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, an ninh lương thực, phát triển bền vững và chuyển đổi số.
Chương trình Thanh niên Bằng hữu ASEAN lần thứ năm với chủ đề “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng” diễn ra từ ngày 28/10 đến ngày 4/11 được thực hiện nhằm tìm kiếm để phát triển và kết nối các nhà lãnh đạo trẻ mới hoạt động trong khu vực với trọng tâm là hợp tác trong lĩnh vực Công, Tư và Con người. Đây là chương trình diễn ra hàng năm do Quỹ Quốc tế Singapore (SIF) và Hội đồng Thanh niên Quốc gia Singapore (NYC) đồng tổ chức.
Tại Singapore và Hà Nội, các bạn trẻ ưu tú của 10 nước đã tham gia đối thoại và thảo luận nhóm, có cơ hội trao đổi với các nhà lãnh đạo tư tưởng hàng đầu, như phiên Đối thoại cấp Bộ trưởng với Phó Thủ tướng Singapore kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam và Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm.
Phát biểu tại buổi lễ bế mạc chương trình, Đại sứ Jaya Ratnam cho biết: “ASEAN không phải gồm các nhà lãnh đạo, bộ trưởng hay quan chức cấp cao mà chính là các bạn trẻ có mặt ở đây ngày hôm nay. Các bạn có ngôn ngữ chung khi nói về sự kết nối và hợp tác. Đó là chìa khóa để chúng ta cùng nhau phát triển mạnh mẽ và ấn tượng hơn. Hãy giữ vững tinh thần can đảm và đam mê để chèo lái con thuyền, khám phá những vùng đất mới, thách thức nghịch cảnh và mở ra những chân trời mới”.
Theo ông Nguyễn Tường Lâm - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, một trong những thách thức mà thanh niên ASEAN phải đối mặt hiện nay là phải tự nâng cao năng lực số của bản thân để thích ứng với xã hội biến đổi công nghệ không ngừng. Ông Lâm nêu rõ chính phủ Việt Nam đã có những chính sách và chương trình hỗ trợ để trang bị cho thanh niên Việt Nam đầy đủ hành trang bước vào thời đại số.
Nằm trong khuôn khổ chương trình, tại Hà Nội, các nhà lãnh đạo trẻ ASEAN đã đến thăm Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia để tìm hiểu cách đơn vị này hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Các bạn trẻ cũng đến thăm KOTO, một doanh nghiệp xã hội giúp đỡ thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn và thiệt thòi ở Việt Nam thông qua chương trình đào tạo kỹ năng cho ngành dịch vụ khách sạn.
Một trong ba đại diện trẻ đến từ Việt Nam, cô Jolly Nguyễn - nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành của EVOL Việt Nam kiêm cố vấn cho các nữ doanh nhân trẻ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bày tỏ: “Chương trình Thanh niên Bằng hữu ASEAN đã mở rộng tầm nhìn của tôi về phát triển bền vững cũng như sự giao thoa của lĩnh vực này với các lĩnh vực khác trên khắp ASEAN. Những hiểu biết sâu sắc mà tôi thu được từ các chuyến đi thực địa, thảo luận nhóm và trao đổi với các nhà lãnh đạo trẻ đã và đang tham gia Chương trình Thanh niên Bằng hữu ASEAN cũng sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nhân mà tôi đang cố vấn”.
Theo báo Tin tức