Dân số Liên hợp quốc đang tính toán mỗi năm Việt Nam thiếu hụt 40.800 trẻ gái. TP Hồ Chí Minh, địa phương đẻ ít nhất nước, đã có năm xuống dưới 1,3 con/bà mẹ.
Tỉ số giới tính khi sinh theo điều tra gần đây nhất ở Việt Nam là cứ 111,5 bé trai chào đời mới có 100 bé gái, trong khi 11 năm trước con số này là 110,6/100 và bình thường dao động ở mức 104 - 106/100. Thậm chí có những địa phương con số này đang vượt 115/100 và cao hơn.
Dân số Liên hợp quốc đang tính toán mỗi năm Việt Nam thiếu hụt 40.800 trẻ gái, tức 40.800 bé gái không có cơ hội chào đời vì mình là... con gái.
Và trong tương lai gần (vì chênh lệch giới tính khi sinh bắt đầu manh nha từ năm 2005), Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn dư thừa nam giới, nam giới đến tuổi lập gia đình sẽ không có bạn gái/vợ/người yêu, dẫn đến hàng loạt hệ lụy xã hội đã và đang xảy ra do thiếu nữ, thừa nam như ở Trung Quốc, Hàn Quốc...
Nói điều này hôm nay bởi Việt Nam vừa có định hướng mới về dân số. Sau nhiều năm thực hiện kế hoạch hóa gia đình, thực hiện chính sách gia đình ít con, con số mới nhất cho thấy đã có 21 tỉnh, thành phố đang sinh đẻ ít hơn mức sinh thay thế. Trong đó như TP Hồ Chí Minh, địa phương đẻ ít nhất nước, đã có năm xuống dưới 1,3 con/bà mẹ thay vì mức 2 con/bà mẹ như thông thường.
Chính vì thế, định hướng dân số mới là khuyến khích 21 địa phương đẻ ít con này cố sinh đủ mức sinh thay thế, các địa phương đẻ nhiều thì vận động về mức sinh thay thế.
Theo dự báo mới, dân số Việt Nam sẽ lên mức 104 triệu người vào năm 2030, tăng hơn 8 triệu người so với hiện nay. Điều đó cho thấy những lo ngại về việc đẻ ít chưa đáng ngại bằng những vấn đề đang hiện hữu, trong đó có chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh, là số trẻ được sàng lọc trước sinh, sơ sinh để phòng ngừa và can thiệp sớm các dị tật, là chỉ số phát triển con người, là cải thiện chiều cao và sức bền...
Trong số này, vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh ít được quan tâm, vì nếu có hậu quả cũng phải 5-10 năm nữa. Nhưng nếu quả thật ngày đó đến, mỗi năm hơn 40.000 nam giới không lấy được vợ mà phải "nhập khẩu cô dâu" thì lại là vấn đề không hề nhỏ chút nào.
Thế nhưng những can thiệp cho cải thiện chất lượng dân số, giảm chênh lệch giới tính khi sinh lại chưa nhiều và chưa hiệu quả. Bằng chứng là mức chênh này vẫn đang khá cao và các chính sách can thiệp chưa đem lại bất kỳ kết quả nào. Các vùng đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung có "truyền thống" muốn sinh nhiều con trai thì dần dà tình trạng này lan đến cả các địa phương phía Nam, nơi trước đây cân bằng hơn về tỷ số này.
Can thiệp không tích cực, trong khi điều kiện lựa chọn giới tính lại dễ dàng, thì chênh lệch giới tính sẽ ngày càng tăng và càng khó can thiệp. Chất lượng dân số ra sao, có khỏe mạnh, cao lớn và cân bằng hay không có giá trị không kém so với việc lo ngại người Việt giàu có mà đẻ ít. Rất mong chuyện này sớm được quan tâm tích cực hơn, bởi năm 2005 bắt đầu xuất hiện nhiều con trai hơn và 15 năm sau, con số trẻ trai đã thật sự áp đảo trẻ gái. Bởi lẽ chỉ vài năm nữa thôi, để giải quyết chuyện này sẽ là một bài toán đau đầu...
LAN ANH