Viết để làm gì?

20/06/2020 09:19

Đó là câu hỏi cơ bản, muôn thuở nhưng chưa bao giờ xưa cũ.

Câu hỏi ấy không chỉ đặt ra với cả nền báo chí cách mạng Việt Nam, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí mà còn với từng cơ quan báo chí và mỗi người làm báo (NLB). Nếu lãng quên hoặc coi nhẹ việc trả lời câu hỏi ấy sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Trong lịch sử 95 năm báo chí cách mạng Việt Nam, đại đa số NLB đều viết với mục đích trong sáng, trung thực, khách quan, viết để mang đến những thông tin bổ ích cho người đọc, người nghe, người xem, phục vụ thật tốt cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhưng vẫn còn đó những "con sâu làm rầu nồi canh", sẵn sàng bẻ cong ngòi bút để trục lợi, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của cộng đồng. Họ vi phạm pháp luật, bỏ qua đạo đức NLB Việt Nam để dọa dẫm, tống tiền, vòi vĩnh tổ chức, cá nhân. Thỉnh thoảng lại thấy báo chí đưa tin về những phóng viên, nhà báo bị bắt, khởi tố, xét xử do tống tiền doanh nghiệp, thông tin sai sự thật... 

Đầu tháng 4.2020, Lê Văn Trọng, Trưởng Ban Thời sự của Tạp chí điện tử Hòa nhập đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi cưỡng đoạt tài sản. Trước đó, Trọng biết một doanh nghiệp phát hành trò chơi dự đoán kết quả bóng đá trên mạng nhưng chưa được cấp phép nên đã tống tiền chủ doanh nghiệp. Đầu tháng 8.2019, báo chí đưa tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Trọng Hùng, phóng viên Báo Gia đình Việt Nam vì hành vi cưỡng đoạt tài sản. Sau khi quay được video về một đoàn xe chở xăng dầu có dấu hiệu sai phạm, Hùng gặp trưởng đoàn xe tống tiền.

Không chỉ có phóng viên, nhà báo mà ngay cả một số cơ quan báo chí, ấn phẩm báo chí cũng có biểu hiện xa rời, hoạt động không theo tôn chỉ, mục đích được cấp phép. Tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 được tổ chức vào cuối tháng 12.2019, các cơ quan quản lý báo chí nhận định một hạn chế, khuyết điểm là nhiều cơ quan báo chí thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, tập trung ở tạp chí điện tử thuộc tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội. Hoạt động không theo tôn chỉ, mục đích cũng xuất phát từ việc chưa trả lời đúng câu hỏi: "Viết để làm gì?". 

Sinh thời, Bác Hồ - người sáng lập tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta và cũng là một nhà báo vĩ đại từng nhiều lần nhắc nhở NLB về mục đích của báo chí. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III (năm 1962) của Hội Nhà báo Việt Nam, Bác nhắc: "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng", "Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?". 

Chức năng, nhiệm vụ của báo chí đã được quy định rõ trong Luật Báo chí, 10 điều quy định đạo đức NLB Việt Nam. Vấn đề đặt ra là làm sao để các cơ quan báo chí và NLB luôn coi trọng, tuân thủ sứ mệnh, nhiệm vụ vẻ vang của NLB. Các cơ quan chủ quản, quản lý báo chí cần kịp thời chấn chỉnh những cơ quan báo chí có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, xử lý nghiêm minh những NLB thoái hóa biến chất, vụ lợi cá nhân. Mỗi cơ quan báo chí cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho NLB, đồng thời tăng cường quản lý, giám sát việc hành nghề của phóng viên, nhà báo và xử lý nghiêm các sai phạm. Cộng đồng xã hội, mỗi tổ chức, cá nhân sẽ là "tai mắt" để giám sát hoạt động tác nghiệp của NLB. Nếu phát hiện thấy các biểu hiện lệch lạc, vi phạm, mỗi người cần chủ động phản ánh với lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí. Với mỗi NLB, khi viết báo phải trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Viết để làm gì?