Viêm gan virus bao gồm nhiều loại khác nhau, trong đó phổ biến là viêm gan A, B, C. Theo các chuyên gia, hiểu rõ về các loại viêm gan virus sẽ giúp chúng ta nắm được cách xử lý phù hợp.
Điểm chung của các loại viêm gan virus
Viêm gan virus được đặc trưng bởi sự xâm nhập của virus vào các tế bào gan, tái tạo và liên tục gia tăng về số lượng. Kèm theo sự xâm nhập và gia tăng không ngừng của virus sự phá hủy liên tục của các tế bào gan, đe dọa đến các hoạt động bình thường của cơ quan này như: Chức năng giải độc, sản xuất mật, tạo protein máu, chuyển hóa năng lượng về dạng dự trữ,...
Triệu chứng của viêm gan virus cũng thường khá giống nhau. Một số triệu chứng thường xuất hiện như:
- Sốt
- Đau khớp
- Mệt mỏi
- Ăn uống không ngon miệng, tiêu hóa kém
- Buồn nôn, nôn
- Đau tức ở vùng hạ sườn phải
- Vàng da, vàng mắt
- Nước tiểu đậm màu
- Phân nhạt màu
Khi xâm nhập vào cơ thể người lành, thường tình trạng viêm gan cấp sẽ xảy ra. Tuy nhiên, các triệu chứng viêm gan cấp tính đôi khi không rõ ràng làm cho người mắc không hề biết mình nhiễm bệnh, bỏ qua thời điểm vàng để xử lý. Khi đó, bệnh chuyển thành dạng mạn tính, không có biểu hiện gì trong nhiều năm liền gây ra tình trạng xơ gan, thậm chí là ung thư gan.
Sự khác biệt giữa các loại viêm gan virus A, B, C
Mặc dù cùng mục tiêu xâm nhập là lá gan của con người nhưng giữa các dạng viêm gan đều có sự khác nhau rõ rệt:
Mức độ phổ biến và lây truyền
- Viêm gan A do virus viêm gan A (HAV) gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường tiêu hóa (đường miệng, phân), rất hiếm qua đường máu. Bệnh phổ biến trên toàn thế giới, tản phát hoặc bùng thành dịch. Trên thế giới hàng năm có khoảng 1,4 triệu ca nhiễm. Tại nước ta, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em và nơi vệ sinh không đảm bảo.
- Viêm gan B do virus viêm gan B gây ra. Bệnh lây lan nhanh từ người sang người qua đường máu (tiêm, truyền, chung dao cạo dính máu, quan hệ tình dục, truyền từ mẹ sang con,...). Đây là dạng viêm gan virus rất phổ biến với khoảng 400 triệu người nhiễm theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.
- Viêm gan C do virus viêm gan C gây ra. Cũng như viêm gan B, bệnh lây từ người sang người qua đường máu nhưng ít lây hơn qua đường tình dục và từ mẹ sang con.
Thời gian ủ bệnh
- Viêm gan A có thời gian ủ bệnh khoảng từ 15-50 ngày (trung bình khoảng 28 ngày). Sau thời gian này, các triệu chứng có thể xuất hiện. Bệnh mang tính chất cấp tính, ngắn hạn và có thể chữa khỏi.
- Viêm gan B có thời gian ủ bệnh khoảng 60-150 ngày (trung bình 90 ngày). Một số trường hợp viêm gan B cấp tính không có triệu chứng. Nhiều trường hợp bệnh chuyển sang mạn tính, các triệu chứng có thể không rõ rệt cho tới khi gan bị tổn thương nghiêm trọng.
- Viêm gan C có thời gian ủ bệnh từ 14 đến 84 ngày, đôi khi có thể kéo dài tới 182 ngày. Một số người trải qua cơn cấp tính của viêm gan C và có thể tự khỏi. Nhưng hơn một nửa số người mắc sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính và nặng dần nếu không được khắc phục.
Tiên lượng điều trị
- Viêm gan A gây ra tổn thương tại gan với các biểu hiện như tiểu nhiều, vàng da, vàng mắt nhưng có thể tự khỏi sau khoảng 1-2 tháng.
- Viêm gan B cấp tính có thể xử lý khỏi hoàn toàn. Nhưng với các trường hợp mạn tính thì nhiều người phải sống chung với bệnh suốt đời bằng cách sử dụng thuốc kháng virus.
- Viêm gan C: Ở cả hai dạng cấp và mạn tính thì viêm gan C đều có thể khắc phục khỏi hoàn toàn bằng thuốc kháng virus.
Hiểu biết rõ về sự khác biệt giữa 3 căn bệnh viêm gan sẽ giúp bạn nắm được các biện pháp điều trị tương ứng cũng như giảm bớt những hoang mang lo lắng khi gặp phải một trong 3 bệnh viêm gan này.
Kiểm soát tốt triệu chứng, yếu tố then chốt giúp ổn định bệnh
Dù gặp phải tình trạng viêm gan A, B hay C thì chức năng gan đều bị ảnh hưởng do sự tàn phá mà những virus gây ra trên cơ quan này. Đi kèm với đó là nhiều biến chứng khó lường như:
- Ngộ độc mạn tính: Sử dụng các thuốc điều trị bệnh, chất dư thừa, chất độc xâm nhập vào cơ thể không được kịp thời chuyển hóa về dạng không độc sẽ gây hại cho gan và các cơ quan khác.
- Giảm khả năng bài tiết mật khiến tiêu hóa kém, chán ăn, cơ thể suy kiệt do thiếu năng lượng, mệt mỏi kéo dài.
- Suy giảm hệ miễn dịch: Các yếu tố miễn dịch không được tổng hợp kịp thời sẽ dẫn tới tình trạng lớp rào chắn bảo vệ cơ thể suy yếu. Không chỉ tạo điều kiện cho virus phát triển mà còn khiến cơ thể dễ bị viêm, nhiễm khuẩn,...
Ngoài ra, còn nhiều biến chứng khác cũng có thể xuất hiện. Trong khi đó, việc điều trị bằng thuốc chỉ có tác dụng tiêu diệt hoặc kìm hãm virus và nhiều yếu tố khác như: Thói quen sống, sinh hoạt, uống nhiều rượu bia, thuốc lá,... đều có thể tác động khiến những tổn thương tại gan khó hồi phục, thậm chí làm bệnh nặng hơn.
Do đó, việc cải thiện các triệu chứng như vàng da, vàng mắt,... hay chính xác hơn là phục hồi những tổn thương tại gan là rất cần thiết. Chỉ khi những tổn thương này được cải thiện, chức năng gan được nâng cao thì sức khỏe của người bệnh mới được cải thiện.
Theo Sức khỏe và Đời sống