Chiều 2.12, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII thảo luận tại hội trường.
>>>[Audio] Nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch năm 2023
[Video] Phân tích sâu các chỉ tiêu không đạt, đề xuất nhiều giải pháp sát thực tế
>>> [Video] Thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân chủ quan của những hạn chế
>>> [Video] Tất cả vì mục tiêu chung, vì người dân, vì sự phát triển của tỉnh Hải Dương
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, chủ tọa hội nghị tại phiên thảo luận hội trường
Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh điều hành phần thảo luận.
Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với 8 ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, nêu bật những vấn đề tỉnh cần quan tâm giải quyết để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2023.
4 yếu tố ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, một số đại biểu cho rằng tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên 9% trở lên sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đồng chí Phạm Bá Dũng, Cục trưởng Cục Thống kê chỉ ra 4 yếu tố ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của tỉnh. Đó là tình hình chiến sự Nga - Ukraine tác động mạnh đến nền kinh tế của nước ta; tình hình thị trường bất động sản đang rất khó khăn, trầm lắng dẫn đến không đấu giá được đất, không tạo được nguồn tăng trưởng; giải ngân đầu tư công chậm; thời tiết, thiên tai diễn biến khó lường ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông, nhất là cây vải thiều. "Tỉnh nên điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng theo hướng mở từ 8-9% thì sẽ phù hợp, dễ thực hiện hơn", đồng chí Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh đề nghị.
Đồng chí Phạm Bá Dũng, Cục trưởng Cục Thống kê phát biểu thảo luận
Để kinh tế phát triển ổn định, đồng chí Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng tỉnh cần tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, sạch, hữu cơ, tập trung để có giá trị kinh tế cao, giúp ổn định đời sống nhân dân. Trong khi tỉnh chưa thu hút được doanh nghiệp lớn, có tầm dẫn dắt thì cần nuôi dưỡng nguồn thu bằng cách chăm sóc, quan tâm nhiều hơn đến các doanh nghiệp hiện có.
Cùng nêu quan điểm về phát triển nông nghiệp, đồng chí Đặng Xuân Thưởng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Gia Lộc cho rằng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đánh giá quy hoạch các vùng sản xuất cho phù hợp với từng địa phương để phát huy thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trước khó khăn về thực hiện nhiệm vụ đô thị hóa, đồng chí Nguyễn Văn Đoàn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng đề nghị không đưa chỉ tiêu đô thị hóa theo hằng năm mà chỉ tính 5 năm, cần điều chỉnh chỉ tiêu đô thị hóa nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (đến năm 2025 là trên 45%) để bảo đảm tính khả thi. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành liên quan khẩn trương trình các quy hoạch. Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng thì cần điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030 cho phù hợp. "Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, ngành tập trung quy hoạch khu công nghiệp cho phù hợp gắn với lợi thế của từng địa phương; đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc cho các khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ lựa chọn các chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp", đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng kiến nghị.
Quan tâm người lao động bị mất việc
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hòa, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể quan tâm chăm lo người lao động, nhất là người bị mất việc, giãn việc
Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến cắt giảm, chấm dứt hợp đồng lao động, giãn giờ làm, gây ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, đồng chí Ngô Thị Thanh Hòa, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết đơn vị đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở nắm bắt tâm tư của người lao động, đề nghị doanh nghiệp xây dựng phương án việc làm tối ưu để tạo điều kiện cho 100% số công nhân có việc. Trường hợp doanh nghiệp phải cắt giảm lao động thì cần cắt giảm lao động đúng quy định, bảo đảm chế độ cho người lao động mất việc làm. Các tổ chức công đoàn tập trung nắm bắt tình hình, nếu doanh nghiệp có phát sinh mâu thuẫn thì cần giải quyết kịp thời, bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động. Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, đơn vị liên quan quan tâm tháo gỡ khó khăn, nhất là đối với những người lao động bị ảnh hưởng trong dịp Tết Quý Mão. Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể chăm lo người lao động, nhất là người bị mất việc, giãn việc; kịp thời nắm bắt tình hình, xu thế tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong tuyển dụng; tạo điều kiện cho người lao động hưởng chế độ thất nghiệp nhanh, kịp thời. "Các xã, phường, thị trấn cần tuyên truyền, vận động chủ nhà trọ giảm tiền thuê nhà cho lao động bị nghỉ, ngừng, giãn việc", đồng chí Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nói.
Đồng chí Lê Anh Dũng, Bí thư Huyện ủy Kim Thành phát biểu thảo luận
Ngoài những vấn đề trên, nhiều đại biểu đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành sớm tháo gỡ các khó khăn trong đánh giá xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; hỗ trợ xây nhà ở cho người có công; tập trung rà soát, quảng bá sản phẩm OCOP để phát huy hiệu quả, nâng cao đời sống cho người dân; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế; công tác quy hoạch cán bộ, phát triển đảng viên cần bảo đảm chất lượng, không nặng về số lượng; làm tốt công tác tiếp dân để tránh phát sinh bức xúc...
PV