[Video] Thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân chủ quan của những hạn chế

01/12/2022 18:16

Chiều 1.12, ngay sau phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các đại biểu đã chia thành 4 tổ thảo luận.

>>> [Video] Tất cả vì mục tiêu chung, vì người dân, vì sự phát triển của tỉnh Hải Dương​
>>> GRDP năm 2022 của Hải Dương ước tăng 9,06%​
>>> Kết nạp đảng viên chỉ đạt 87,9% chỉ tiêu​

Đồng chí Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ 1

"Mổ xẻ" 7 chỉ tiêu không đạt

Các đại biểu tham gia thảo luận đã tập trung phân tích những nguyên nhân dẫn đến có 7 trong 16 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 của tỉnh chưa đạt.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Sẫm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tứ Kỳ cho rằng cần đánh giá thật cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ không đạt để có những giải pháp tháo gỡ, tránh trì trệ kéo dài. “Quy hoạch chung của tỉnh chưa hoàn thành ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện các nhiệm vụ khác. Đây chính là nguyên nhân chủ quan chứ không phải khách quan. Cùng với đó, công tác cải cách thủ tục hành chính ở một số cơ quan, đơn vị cũng còn hạn chế”, đồng chí Nguyễn Ngọc Sẫm nêu ý kiến.

Đồng chí Nguyễn Văn Đoàn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng thực tế cho thấy Hải Dương rất khó có thể đạt được chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt trên 45% trong nhiệm kỳ vì năm bắt đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII mới đạt trên 32% và bình quân các năm sau đó chưa đạt thêm 1%. Giám đốc Sở Xây dựng đề nghị tỉnh cần điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030 để cân bằng cung cầu, hạn chế tối đa các dự án nhỏ, trừ các dự án xen kẹp trong khu dân cư để tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Đồng chí Nguyễn Văn Đoàn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng phát biểu thảo luận tại tổ 2

Bày tỏ băn khoăn với mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2023 từ 9% trở lên, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Phạm Bá Dũng cho biết thu hút FDI đầu tư vào tỉnh năm 2022 là hơn 430 triệu USD, đứng thứ 17 toàn quốc. Muốn tăng trưởng năm 2023 thì phải có dư địa tăng trưởng của các năm trước. Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cũng đề nghị bỏ chỉ tiêu về vốn đầu tư/tổng sản phẩm vì đánh giá rất khó, đây là chỉ tiêu phù hợp ở cấp quốc gia.

Để khắc phục hạn chế, đạt được những mục tiêu năm 2023, đồng chí Hoàng Văn Thực, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị bổ sung thêm các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thu hút nhà đầu tư lớn; đẩy nhanh vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng; rà soát quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện, triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất 5 năm; bổ sung giải pháp thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.

Nhiều đại biểu đề nghị tỉnh cần có những biện pháp quyết liệt, cụ thể hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội, tiếp tục hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu… để phấn đấu đạt các chỉ tiêu năm 2023.

Đồng chí Lê Đình Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hải Dương phát biểu thảo luận tại tổ 3

Khắc phục hạn chế trong đầu tư công

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đề xuất các giải pháp khắc phục hạn chế trong đầu tư công. Đồng chí Nguyễn Năng Hoàn, Tỉnh ủy viên, Cục trưởng Cục thuế tỉnh dự báo thu ngân sách những năm tới sẽ rất khó khăn. Vì vậy, tỉnh xem xét cân nhắc việc tăng đầu tư công, yêu cầu các huyện cam kết bố trí đủ nguồn lực đầu tư từng dự án để đầu tư hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí.  

Video trích phát biểu thảo luận tại tổ về đầu tư công của đồng chí Nguyễn Năng Hoàn, Tỉnh ủy viên, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh

Có đại biểu đề nghị cần đẩy nhanh giải quyết các dự án vướng mắc, tránh để tồn tại những điểm nghẽn, nút thắt kéo dài ở các cơ quan chính quyền gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của tỉnh. Có đại biểu đề nghị tránh đầu tư công tập trung vào một số địa phương; các công trình đầu tư công nên cân nhắc phân đều cho các địa phương để bảo đảm phát triển đồng bộ. Lãnh đạo TP Hải Dương đề nghị tỉnh giữ nguyên phân bổ đầu tư công trung hạn cho TP Hải Dương để tiếp tục thực hiện những công trình trọng điểm đã triển khai thi công, phục vụ sự phát triển của tỉnh. Cùng với đó, việc đầu tư cầu Bùi Thị Xuân bằng nguồn ODA là không hiệu quả, cần tìm hướng khác để đầu tư.

Tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí với việc sửa đổi các quy chế làm việc của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đúng quy định.

Phát biểu tại Tổ thảo luận số 1, đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu cần tiếp tục đánh giá đúng, sâu kỹ hơn nữa những nguyên nhân chủ quan của các hạn chế, chỉ rõ các vướng mắc ở đâu, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị... từ đó có giải pháp khắc phục. Các đại biểu cũng cần tập trung nghiên cứu, làm rõ các lý do vì sao Hải Dương có những điều kiện rất thuận lợi nhưng phát triển chưa tương xứng và chậm hơn so với các tỉnh, thành phố lân cận, kiến nghị các giải pháp để thực hiện quyết liệt, hiệu quả trong thời gian tới...

Sáng 2.12, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục thảo luận tại tổ.

PV

(0) Bình luận
[Video] Thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân chủ quan của những hạn chế