Premier League chính thức trở lại từ ngày 18.6, và các câu lạc bộ phải thi đấu 92 trận kể cả đá bù để hoàn tất 9 vòng đấu còn lại.
Người hâm mộ chuẩn bị đón sự trở lại của các trận đấu ở Premier League kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Anh. Ảnh: Getty Images
Bundesliga của Đức trở lại mấy tuần nay, quả bóng trên sân cỏ Italy cũng đã lăn, và La Liga tại Tây Ban Nha cũng quay lại cách đây 2 hôm. Tuy nhiên, không có sự chờ đợi nào háo hức bằng việc Premier League trở lại sau dịch Covid-19. Sau cùng, điều gì làm nên sức hấp dẫn của giải đấu này?
Từ một bữa tối
Câu chuyện bắt đầu bằng buổi tối bên bờ sông Thames tại London vào năm 1990. Có 6 người đàn ông là đại diện của 5 câu lạc bộ (CLB) lớn nhất nước Anh khi ấy ngồi ăn tối cùng nhau để đưa ra một quyết định quan trọng. Họ muốn tạo nên giải đấu được mang tên: Premier League. Họ là David Dein - đại diện của Arsenal, Martin Edwards - đại diện của Manchester United, Irving Scholar - đại diện của Tottenham, Noel White - đại diện của Liverpool, Philip Carter - đại diện của Everton, và người cuối cùng chính là Chủ tịch ITV Sport đồng thời là Giám đốc điều hành của kênh truyền hình London Weekend Television, ông Gred Dyke.
Chuyện những người tham vọng ngồi cùng bàn để tạo nên một CLB hay một tổ chức là điều quen thuộc trong lịch sử bóng đá thế giới. Tuy nhiên, điều đặc biệt của bữa tối bên bờ sông Thames ấy lại là sự xuất hiện của người đàn ông thứ 6. Ông không đến từ bất kỳ CLB lớn nào, chỉ đến từ kênh truyền hình. Và ít ai ngờ chính sự khác biệt ấy mang tính bước ngoặt để biến Premier League thành giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.
Gred Dyke không chỉ là Chủ tịch ITV Sport để tham mưu cho Premier League những gì tốt nhất. Ông là đại diện cho tính thương mại của giải đấu, biểu trưng của lịch sử Ngoại hạng Anh - không chỉ chất lượng mà còn hấp dẫn, biết cách thu hút công chúng và tạo cho các CLB những số tiền khổng lồ nhất.
Những khán đài chật kín người hâm mộ là đặc sản của Premier League. Ảnh: Getty |
Trong khi các đại diện CLB chỉ nghĩ đến những chức vô địch, những khoản tiền thưởng mới phù hợp hơn, thì việc khuếch trương hình ảnh là điều Gred Dyke đã tạo thành nếp cho Premier League. Giải đấu này có sức mạnh truyền thông luôn đứng đầu thế giới. Đấy là suy nghĩ mà chỉ những bậc thầy makerting mới nghĩ đến.
Bước ngoặt thứ hai để tạo thành Premier League như hôm nay được đến vào năm 1999, khi một nhân vật tài năng trở thành Giám đốc điều hành của Premier League. Người đàn ông ấy chính là Richard Scudamore.
Trước khi Richard Scudamore thành CEO của Premier League, nếu nói về giải đấu kim tiền nhất châu Âu phải là Serie A. Giải đấu quy tụ những ngôi sao lớn nhất thế giới, là “thiên đường đồng lire”. Với người tiên phong chính là cựu Thủ tướng Italy, ông Silvio Berlusconi. Người đàn ông này không chỉ là Chủ tịch của AC Milan, mà còn là Chủ tịch của tập đoàn truyền thông Fininvest. Sự kết hợp của truyền thông, bóng đá và chính trị đã đưa Serie A lên vị trí mà các giải đấu khác không thể với tới được, trừ Premier League của Scudamore.
Tài năng của người đàn ông đến từ vùng Bristol chính là việc sắp xếp lại tiền bạc, chia chác đều số tiền bản quyền truyền hình cho 20 CLB tại Ngoại hạng Anh một cách công bằng hơn. Nhờ đó, ông đã kích thích được sức mua của các đội bóng, giúp các CLB Anh vững mạnh về tài chính để có thể đua tài và cạnh tranh.
Để dễ so sánh, bạn hãy nhìn sang La Liga nơi gói bản quyền truyền hình được phân chia chủ yếu cho Real và Barca. Họ là những đội bóng nhận khoảng 140 triệu euro/mùa, trong khi những đội bóng thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng nhận 42 triệu euro. Vậy bạn biết Premier League 2018/19 đã cho đội xuống hạng Huddersfield bao nhiêu không? 108,6 triệu euro từ bản quyền truyền hình. Số tiền này thậm chí nhiều hơn số tiền của nhà vô địch Serie A là Juventus nhận được từ bản quyền truyền hình (85,3 triệu euro).
Premier League là giải đấu có giá trị bản quyền truyền hình cao nhất thế giới. Trong giai đoạn 2019-2022, con số này là 5 tỷ bảng. Ảnh: Getty |
Sự công bằng giàu có này dẫn đến điều tiếp theo là các đội bóng sẽ có tiền để chiêu mộ cầu thủ, có tiền để mời những chiến lược gia giỏi nhất. Nhờ đó Premier League luôn duy trì sự hiện diện của các siêu sao trên sân cỏ lẫn trên băng ghế huấn luyện.
Tiền bạc đã giúp cho Premier League luôn hùng mạnh hơn các giải đấu khác, cân bằng hơn các giải đấu khác. Đấy là nguồn gốc tạo nên “Big Six” như hôm nay ta được thấy, cũng là lý do tồn tại các trận cầu bất ngờ theo kiểu đội bóng đầu bảng có thể thua đội cuối bảng. Và đương nhiên là những cuộc đua tranh suất trụ hạng có giá trị 100 triệu bảng còn căng thẳng hơn đua chức vô địch.
Cái lợi hại của Scudamore từng đó còn chưa đủ. Bằng tài năng điều hành, thương thuyết, xây dựng chiến lược truyền thông, các sản phẩm đi kèm Premier League, nhận hợp đồng, mở rộng thị trường châu Á, ông đã đưa mức mức bản quyền của Premier League từ 212 triệu bảng năm 2001 đến với con số 3 tỷ bảng mỗi mùa vào giai đoạn 2012/13.
Ngày Scudamore nghỉ hưu, Ngoại hạng Anh đã nhận gói bản quyền với mức giá 5.136 tỷ bảng trong 3 năm. Không quá lời khi nói sự giàu có mà Ngoại hạng Anh được như hôm nay là nhờ công sức của Scudamore. Người đã biến giải đấu “đồng bảng” vượt qua “thiên đường đồng lire” và luôn là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh kể cả khi bị La Liga vượt mặt mỗi năm trên đấu trường Champions League.
Scudamore rất giàu ý tưởng. Ông từng định tạo nên một vòng đấu thứ 39 bên ngoài biên giới nước Anh. Ý tưởng không thành hiện thực, nhưng nó chứa đầy tham vọng và phần nào giải thích được vì sao Premier League hào nhoáng và kiêu sa hơn các giải đấu khác.
Tuy nhiên, sự lợi hại của truyền thông hay sức mạnh của tiền bạc cũng không thể thay thế được màn trình diễn trên sân cỏ. Đó chính là điểm nhấn cuối cùng bên cạnh yếu tố con người để tạo nên sự hấp dẫn của Premier League.
Nước Anh là xứ sở sương mù.
Robinho tới đây vào năm 2008 và tâm sự chỉ muốn ở trong nhà. Anh và các cầu thủ Nam Mỹ ít thành công nơi này vì nhớ nắng ấm, nơi ánh nắng Nam Âu có điều kiện thích hợp hơn cho họ. Eric Cantona đã tới đây, gió thổi vào cổ quá lạnh, và anh dựng cổ áo lên. Anh dựng cổ áo vì lạnh chứ không phải vì ngầu. Tuy nhiên, cái cổ áo dựng ngược ấy tạo nên sự cao ngạo của chính anh, là sự kiêu hãnh của Manchester United và tổng hòa cùng nhau tạo nên dấu ấn của Premier League.
Premier League nổi tiếng về lối chơi tốc độ. Ảnh: Getty |
Nước Anh rất lạnh.
Và vì lạnh, các cầu thủ khi ra sân đã ào lên để chạy. Họ không chỉ đuổi theo trái bóng, mà còn chạy để đuổi đi cái lạnh. Thế là “Kick and Rush” - “Chạy và Sút” ra đời, tạo thành lối chơi truyền thống của bóng đá Anh, Ngoại hạng Anh. Một lối chơi tràn đầy hứng khởi, luôn lao lên phía trước, tạo nên các bàn thắng ngoạn mục, và vì chạy với sút nên chưa bao giờ khiến người ta thấy buồn ngủ. Chiến thuật ư? Hãy dành cho các chuyên gia. Còn người hâm mộ bình thường, họ thích Ngoại hạng Anh vì nó rất “nhiệt”. Phải, một lối chơi “nhiệt” được hình thành vì địa lý “lạnh”.
Nước Anh cũng là quê hương của Vua Arthur và các hiệp sĩ Bàn tròn.
Người Anh coi trọng tinh thần hiệp sĩ. Họ không cam chịu đầu hàng. Các đội bóng Anh luôn chiến đấu đến giây phút cuối cùng, và những bàn thắng của phút bù giờ là những cảm xúc in sâu trong lòng người hâm mộ. Ai mà quên được cú sút góc hẹp của Aguero vào lưới Queens Park Rangers mang lại chức vô địch Ngoại hạng Anh mùa giải 2011/12 cho Manchester City? Ai mà quên được bàn thắng trong phút bù giờ thứ 6 của Michael Owen, giúp MU đánh bại Man City 4-3 năm 2009? Đấy luôn là điểm nhấn của Ngoại Hạng Anh.
2 ngày nữa, Premier League trở lại. Có câu nói “Người quan trọng thường hay xuất hiện cuối cùng”. Premier League chính là “kẻ quan trọng” đó trong bàn tiệc bóng tròn hậu dịch Covid-19.
Theo Zing