Nhiều bệnh nhân mắc tay - chân - miệng điều trị tại nhà uống thuốc hạ sốt nhưng không hiệu quả. Bác sĩ Bệnh viện Nhi Hải Dương đã lý giải điều này.
Một tháng nay, bình quân mỗi ngày, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Hải Dương có từ 10-15 bệnh nhân mắc tay - chân - miệng điều trị nội trú. Những trẻ mắc bệnh này nhập viện đều thuộc mức độ 2a với các biểu hiện phổ biến như: sốt cao trên 39 độ C, thường xuyên giật mình, lừ đừ, yếu chi, quấy khóc, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, miệng, mông, đầu gối... Trước khi nhập viện, các bệnh nhân đều đã điều trị tại nhà, không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ mắc tay - chân - miệng điều trị tại nhà nhưng không đáp ứng thuốc hạ sốt. Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ thường mua thuốc Hapacol cho con uống để hạ sốt. Với loại thuốc này, để chấm dứt các cơn sốt liên tục phải uống với liều lượng tối đa 15mg/1kg cân nặng/lần nhưng do cha mẹ thiếu hiểu biết, sợ con uống thuốc nhiều có hại cho sức khoẻ nên chỉ cho uống 10mg, trẻ khó hạ sốt. Có trường hợp trẻ không chịu uống thuốc hoặc có uống nhưng lại nôn ra nên không phát huy tác dụng.
Ngoài tay - chân - miệng, một số ít trẻ còn đồng thời mắc chủng virus tiêu chảy, viêm phổi nhưng cha mẹ không biết. Việc chỉ cho bệnh nhân uống thuốc hạ sốt thông thường rất khó cắt sốt, để lâu thậm chí còn xuất hiện những biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm cơ tim, gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng của trẻ. Thực tế trong thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận vài trường hợp như vậy, sau đó phải chuyển tuyến trên điều trị.
Với những trẻ mắc tay - chân - miệng mức độ 2a, ngoài uống thuốc hạ sốt đúng liều lượng phải uống kèm thuốc an thần mới có hiệu quả. Tuy nhiên, thường các hiệu thuốc hoặc phòng khám tư nhân ở ngoài ít khi kê hoặc không có loại thuốc này...
Với những bệnh nhân mắc tay - chân - miệng, điều trị tại nhà không đáp ứng thuốc hạ sốt khi vào viện sẽ được bác sĩ chụp X-quang tim, phổi, nội soi tai, mũi, họng và làm xét nghiệm máu để xác định tình trạng nhiễm khuẩn, chủ động phát hiện sớm các biến chứng. Trong trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng sẽ được chụp cắt lớp vi tính, chọc dịch để tìm nguyên nhân gây ra các triệu chứng.
Tùy vào diễn biến sức khoẻ của từng bệnh nhân, các bác sĩ sẽ theo dõi và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Thông thường khi trẻ mắc tay - chân - miệng mức độ 2a sẽ được các bác sĩ cho uống kết hợp xen kẽ 2 loại thuốc là Habacol và Brufen để cắt sốt cộng thêm thuốc an thần. Bệnh nhân thường xuyên được theo dõi chuyển độ, nếu vẫn không cắt sốt sẽ làm các xét nghiệm xác định bội nhiễm để tìm nguyên nhân và điều trị kết hợp bằng những loại thuốc khác.
Hầu hết bệnh nhân mắc tay - chân - miệng điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi Hải Dương sẽ cắt sốt sau 1-2 ngày hoặc có trẻ sẽ cắt sốt ngay. Trẻ điều trị thêm 2-3 ngày đã có thể xuất viện.
Khi trẻ có các triệu chứng mắc tay - chân - miệng hay các bệnh lý khác, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời. Việc tự ý mua thuốc điều trị bệnh cho trẻ tại nhà không đúng phác đồ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Trong tuần qua (từ ngày 6-12/5), Bệnh viện Nhi Hải Dương đã đón 1.147 trẻ đến khám bệnh, 382 trường hợp nhập viện. Ngoài tay - chân - miệng, hiện nhiều bệnh nhân mắc một số bệnh truyền nhiễm khác như cúm A, cúm B, có 1 trẻ bị viêm não.