Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua Hà Nội ghi nhận 195 ca mắc tay chân miệng và 8 ổ dịch.
Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay Hà Nội ghi nhận gần 800 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Bắt đầu bước vào đỉnh dịch
Không riêng Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng trên cả nước cũng gia tăng. Hơn ba tháng đầu năm đã ghi nhận hơn 10.000 trường hợp mắc, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
CDC Hà Nội nhận định bệnh tay chân miệng có hai chu kỳ đỉnh dịch vào tháng 4, 5 và tháng 9, 10.
CDC Hà Nội đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại khối trường mầm non, tiểu học. Việc vệ sinh phòng bệnh tay chân miệng ở các trường cần chú trọng dụng cụ cá nhân của trẻ như cốc, khăn mặt, đồ chơi...
Ngoài ra hằng tuần các trường cần tổ chức tổng vệ sinh để phòng chống dịch.
Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó trưởng Khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay bệnh tay chân miệng có thể chuyển biến nặng, bởi vậy cha mẹ cần chú ý theo dõi chăm sóc và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nga cho hay bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Từ 1-2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát.
Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét. Các vết loét này chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má.
Bà Nga cũng cảnh báo do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế.
Sau khi trẻ được chẩn đoán bệnh, tùy tình trạng bệnh bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị ngoại trú hay nội trú. Nếu trẻ đủ điều kiện chăm sóc tại nhà, bác sĩ sẽ tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị.
Cha mẹ tuyệt đối không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.
TN (Tổng hợp)