Vì sao người Nhật không chịu làm từ xa cả trong đại dịch?

04/04/2020 21:22

Chính phủ khuyến khích người dân làm việc ở nhà, nhưng người lao động vẫn đổ tới văn phòng vì những lý do mang đậm chất “văn hoá Nhật Bản".

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham dự cuộc họp nội các ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 3.4. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Những nhân viên ăn lương trong bộ suit lao vội lên tàu hỏa trong giờ cao điểm buổi sáng là những cảnh tượng thường thấy ở Tokyo. Cho đến vài tuần trước, ông Hideya Tokiyoshi, một giáo viên tiếng Anh (52 tuổi) cũng nằm trong số đó, hằng ngày đi tàu từ tỉnh Saitama lân cận vào thủ đô làm việc. Và đến tận thời điểm này, khi đã có hơn 2.600 người nhiễm SARS-CoV-2 tại Nhật Bản, nhiều người lao động vẫn không chịu làm việc từ xa.

Mặc dù Thống đốc Yuriko Koike của Tokyo đã thúc giục 13,5 triệu cư dân thành phố làm việc từ xa nếu có thể cho đến ngày 12.4 và các công ty lớn của Nhật Bản như Honda, Toyota hay Nissan cũng yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà, nhiều người vẫn hàng ngày vào thủ đô làm việc, khiến hệ thống tàu điện ngầm vẫn bận rộn trong giờ cao điểm.

Theo kênh CNN (Mỹ), câu chuyện tương tự đang diễn ra trên khắp đất nước Nhật Bản nơi khoảng 80% các công ty không có khả năng để nhân viên của họ làm việc từ xa, theo dữ liệu của chính phủ năm 2019. Và với việc Thủ tướng Shinzo Abe trong tuần này từ chối tuyên bố tình trạng khẩn cấp, điều này sẽ gây áp lực trong thực thi giãn cách xã hội bởi các công ty vẫn có thể hoạt động hợp pháp tại văn phòng của họ.

Nền tảng của tình trạng nói trên là văn hóa làm việc cật lực đến mức “khét tiếng” của Nhật Bản. Một nghiên cứu của chính phủ năm 2016 cho thấy 1/5 người lao động có nguy cơ làm việc đến chết. Đất nước này thậm chí còn có từ riêng để chỉ hành động đó – “karoshi", tức “chết vì làm việc quá sức” được dùng để chỉ những nhân viên làm việc chăm chỉ đến nỗi tử vong vì các bệnh liên quan đến căng thẳng, hoặc trở nên chán nản đến mức tự sát.

"Chúng tôi sợ hãi nhiều hơn bạn nghĩ. Nhưng đối với người Nhật, công việc luôn là ưu tiên cao nhất và là lý do lớn nhất. Trừ khi chính phủ đóng cửa các doanh nghiệp, sẽ không ai ở nhà. Chúng tôi là nô lệ của công việc”, ông Tokiyoshi đăng trên Twitter.

Tập quán lao động cũ

Những người đi làm chờ xếp hàng tại một trạm xe buýt vào ngày 26.3 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AP

Thế vận hội Tokyo 2020 hiện đang bị trì hoãn, được xác định là nơi thể hiện Nhật Bản là một quốc gia công nghệ cao, với các robot chỉ chỗ ngồi cho khách và thiên thạch nhân tạo sáng trên trên bầu trời. Nhưng trên thực tế, người lao động Nhật vẫn gắn với cách thức kinh doanh truyền thống hơn. Chẳng hạn, máy fax vẫn là vật cố định trong nhiều văn phòng và mọi người vẫn sử dụng con dấu của công ty cho các tài liệu chính thức. Tại Nhật Bản, con dấu cá nhân và công ty thường được sử dụng thay chữ ký điện tử hoặc chữ ký viết tay.

Trong mùa dịch này, nhiều công ty đa quốc gia đã chuyển sang họp trực tuyến hoặc liên lạc với đồng nghiệp qua các ứng dụng như Slack, Webex và Zoom. Nhưng Rochelle Kopp, một nhà tư vấn kinh doanh tại Công ty tư vấn đa văn hóa Nhật Bản lại cho biết các công ty Nhật Bản đã không đầu tư đủ về công nghệ thông tin để làm điều này. Nhiều nhân viên thậm chí không có máy tính xách tay. Các công ty không có VPN hoặc truy cập từ xa vào máy chủ của họ, có nghĩa là mọi thứ chỉ có thể được truy cập trực tiếp tại văn phòng.

Để thúc đẩy sự thay đổi khi cuộc khủng hoảng COVID-19 tiếp diễn, Bộ Lao động Nhật Bản đang cung cấp các khoản tài trợ lên tới 77.000 USD để giúp các công ty vừa và nhỏ chuẩn bị cho làm việc từ xa. Tuy nhiên, rào cản vẫn còn. 

1/4 dân số Nhật Bản trong độ tuổi từ 65 trở lên. Nhiều người vẫn đảm nhiệm các vị trí cấp cao và không am hiểu về công nghệ. Chẳng hạn, năm 2018, Bộ trưởng An ninh mạng 68 tuổi của Nhật Bản thừa nhận ông chưa bao giờ sử dụng máy tính trong công việc.

"Ngay cả khi thiết bị đã có sẵn, người cao tuổi có thể không có kinh nghiệm hoặc kiến thức để thích nghi nhanh chóng", Hisakazu Kato, Giáo sư kinh tế tại Đại học Meiji, Tokyo, nói.

Văn hóa làm việc trực diện

Việc miễn cưỡng đóng cửa văn phòng và làm việc từ xa nói lên văn hóa làm việc căng thẳng của Nhật Bản, nơi các nhân viên xác định sẽ làm việc trong nhiều giờ. Jesper Koll, một nhà kinh tế và chiến lược tài chính có trụ sở tại Nhật Bản, cho biết: "Một số nhân viên vẫn ở lại văn phòng sau nhiều giờ làm vì họ nghĩ rằng ông chủ có thể sẽ quay lại sau bữa tối". 

Văn hóa tôn trọng việc ra quyết định tập thể ở Nhật Bản cũng có thể khiến mọi người cảm thấy miễn cưỡng khi làm việc ở nhà, nơi họ không có đồng nghiệp vây quanh.

"Tình hình ở Nhật Bản khá độc đáo so với các quốc gia khác, nơi mọi người có phong cách làm việc cá nhân hơn. Họ dễ dàng chuyển sang làm việc từ xa" và "Ở Nhật Bản, một người không thể đưa ra quyết định quan trọng một mình tại nhà, họ phải cùng nhau đưa ra quyết định ", Giáo sư Kato giải thích.

Người dân đeo khẩu trang chờ sang đường ngày 2.4 tại Tokyo. Ảnh: AP

Ở nhiều nơi, chính phủ đã làm gương. Chẳng hạn, tại Hong Kong (Trung Quốc), chính quyền đặc khu tuyên bố các viên chức sẽ làm việc từ nhà và đề nghị doanh nghiệp tư nhân cũng cho phép nhân viên làm từ xa. Nhưng người Nhật Bản không làm như vậy. Chỉ một số viên chức làm việc từ xa, còn nhiều người vẫn đến công sở. Nakane Tsuyoshi, một cán bộ nhân sự của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi ở Tokyo vẫn đi làm đều đặn. “Chúng tôi lo lắng sẽ không thể giúp đỡ mọi người và hoàn thành tốt công việc nếu làm từ nhà”, ông nói.

Công nghiệp dịch vụ

Hơn 70% lực lượng lao động của Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, theo Cục Thống kê Nhật Bản vào năm 2019. Và nhiều người trong số đó gần như không thể làm việc từ xa.

Bebe Ishikawa điều hành một doanh nghiệp ở Tokyo cung cấp trái cây cho các cửa hàng bánh, khách sạn và địa điểm tổ chức đám cưới. Cô quản lý 5 nhân viên trong văn phòng của mình và tất cả đều đến làm việc. 

Ishikawa cho biết cô hiểu rằng cuối cùng các doanh nghiệp có thể bị đóng cửa hoàn toàn để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, nhưng cảnh báo rằng nhiều công ty sẽ phá sản. "Nếu chúng tôi ngừng phân phối sản phẩm của mình thì điều đó có nghĩa là khách hàng của chúng tôi cũng không thể hoạt động khi liên kết trong chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng", cô nói.

Cảm nhận sai về an toàn?

Cho đến hết ngày 3.4, Nhật Bản - đất nước 127 triệu dân - ghi nhận hơn 2.600 ca mắc COVID-19, trong đó có 63 trường hợp tử vong, tổng cộng 514 người đã hồi phục.

Tuy nhiên, Nhật Bản mới chỉ xét nghiệm cho khoảng 34.500 người, so với hơn 431.700 người được xét nghiệm ở Hàn Quốc, nơi chỉ có dân số 51 triệu người. Tỷ lệ lây nhiễm tương đối thấp được ghi nhận đã tạo ra cảm giác an toàn ở Nhật Bản, điều này có thể khuyến khích người lao động đến chỗ làm.

"Chính phủ nên chặt chẽ hơn như ở châu Âu", Giáo sư Kato nói. "Chính phủ có quá nhiều niềm tin rằng công chúng tự mình làm điều đúng đắn, nhưng họ nên ra một thông điệp rõ ràng và quyết đoán hơn để nói với mọi người rằng tình trạng dịch thực sự nghiêm trọng", ông cho biết thêm.

Quay trở lại Saitama, ông Tokiyoshi lúc này đã chấp nhận làm việc từ xa và tìm thấy nhiều thời gian hơn cho các dự án đam mê. Ông và các sinh viên của mình đã vượt qua những trục trặc đường truyền và ông hy vọng cách làm việc này sẽ được chấp nhận nhiều hơn trong tương lai.  "Trước đây, mọi người nghĩ rằng sẽ không thể làm việc tại nhà vì sợ không thể tập trung vào công việc. Nhưng bây giờ người ta đã nhận ra rằng họ có thể làm rất nhiều việc ở nhà", ông nói.

Theo báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao người Nhật không chịu làm từ xa cả trong đại dịch?