Vì sao người Nhật đi tất khi ngủ bất kể đông hay hè?

17/07/2023 20:34

Đi tất khi ngủ giúp cải thiện tuần hoàn máu, giữ ấm chân, khiến con người đi vào giấc ngủ nhanh hơn, tăng tổng thời gian ngủ, từ đó nâng cao tuổi thọ.

Tại Nhật Bản, người dân đi tất gần như quanh năm, thậm chí không cởi ra khi ngủ. Đây cũng là quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. 20 năm liền, tuổi thọ Nhật Bản đạt 84,6. Các nhà khoa học cho rằng thói quen đi tất của người dân có thể liên quan đến vấn đề sức khỏe và tuổi thọ.

Thực tế, nhiều phân tích đã chỉ ra lợi ích của việc đi tất và giữ ấm bàn chân nói chung. Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nhân chủng học Sinh lý Quốc tế cho thấy đi tất giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và khiến mọi người thiếp đi sớm hơn 15 phút so với bình thường. Thói quen này có thể làm tăng tổng lượng thời gian ngủ trung bình thêm khoảng 32 phút. Đi tất khi ngủ, nhiệt độ bàn chân được bảo vệ, quá trình tuần hoàn máu diễn ra hiệu quả hơn, duy trì nhiệt độ cơ thể tương đối ổn định, giúp con người dễ đi vào giấc ngủ.

Trong khi đó, nghiên cứu từ Đại học Surrey và Đại học Tây Bắc Mỹ chỉ ra rằng giấc ngủ chất lượng thấp có thể làm giảm 10% tuổi thọ. Thực tế, ở những người thường xuyên trằn trọc khó ngủ, khả năng miễn dịch tự nhiên giảm, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh thần kinh tăng cao.

Ngủ khi mang tất cũng cải thiện triệu chứng bốc hỏa thời kỳ mãn kinh. Đây là tình trạng cơ thể nóng đột ngột, đổ mồ hôi ban đêm, đánh trống ngực và đỏ mặt. Điều này liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh, ảnh hưởng đến việc điều chỉnh nhiệt độ. Mang tất đi ngủ có thể làm giảm nhiệt độ lõi của cơ thể vào ban đêm, cải thiện các cơn bốc hỏa.


Một người mang tất đi ngủ

Một số người thường xuyên bị lạnh chân tay, chủ yếu do các mạch máu cùng bị co thắt quá mức, khiến lượng máu đến tay chân giảm, từ đó các ngón tay có cảm giác lạnh và tê bì. Mang tất đi ngủ có thể giúp giảm tình trạng này và giữ ấm cho đôi chân.

Thực tế, ban ngày có mặt trời, dương khí đầy đủ, hoạt động của cơ thể giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, khiến thân nhiệt con người cao hơn. Khi mặt trời lặn vào ban đêm, nhiệt độ bên ngoài bắt đầu giảm xuống, nhiệt độ cơ thể người giảm xuống theo (khoảng 1-2 độ C). Lúc này, quá trình trao đổi chất diễn ra chậm, bàn chân là nơi xa tim nhất, hiệu quả tuần hoàn sẽ kém đi, khiến cho bàn chân bị lạnh, không theo kịp cơ thể người. Nhiệt độ cơ thể thấp, nhiệt độ chân cũng thấp dễ ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Bên cạnh mang tất đi ngủ, một số thói quen khác cũng giúp Nhật Bản thuộc nhóm nước có tuổi thọ cao nhất thế giới.

Người Nhật ăn nhạt, ít sử dụng muối, dầu và gia vị. So với người Trung Quốc chuộng các món chiên, xào, om, người Nhật thích chế độ ăn "nguyên bản", áp dụng những phương pháp nấu nướng đơn giản, cố gắng không làm mất đi chất dinh dưỡng của thực phẩm.

Người Nhật Bản cũng thích các trò chơi trí tuệ. Dù ở độ tuổi cao, họ thường đến các phòng game, thậm chí chơi cả những môn thể thao điện tử. Hình thức "thể dục não" này giúp chống lão hóa, cải thiện hiệu suất nhận thức.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao người Nhật đi tất khi ngủ bất kể đông hay hè?