Trong tỉnh

Vì sao Hải Dương nên khôi phục bóng chuyền bãi biển?

TIẾN HUY 30/03/2024 15:30

Có bề dày truyền thống, nhiều khả năng tranh ngôi vô địch, kinh phí dành cho tập luyện và thi đấu thấp, bộ máy đội tuyển gọn nhẹ so với bóng chuyền trong nhà... là những lý do Hải Dương nên khôi phục môn bóng chuyền bãi biển.

Bóng chuyền bãi biển có nhiều điều kiện thuận lợi để khôi phục do Hải Dương có nguồn cung vận động viên và huấn luyện viên từ môn bóng chuyền trong nhà rất dồi dào
Bóng chuyền bãi biển có nhiều điều kiện thuận lợi để khôi phục do Hải Dương có nguồn vận động viên và huấn luyện viên từ môn bóng chuyền trong nhà rất dồi dào

Điều kiện thuận lợi

Hải Dương hiện có đầy đủ đội tuyển bóng chuyền trong nhà của nam, nữ, gồm hạng A, tuyến trẻ luân huấn và trẻ mục tiêu. Đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên có chất lượng tốt. Đội tuyển bóng chuyền nữ Hải Dương hiện thi đấu tại giải hạng A quốc gia. Tại vòng chung kết hạng A quốc gia năm 2023 ở Đắk Lắk, trong trận chung kết, đội tuyển nữ Hải Dương chỉ thua đội tuyển đến từ Thủ đô và chưa thể tái lập thành tích thăng hạng thi đấu tại Giải vô địch quốc gia như trước đây. Nhiều thành viên của đội tuyển nữ có trình độ cao đã đầu quân cho các câu lạc bộ trong nước ở Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... Đội tuyển bóng chuyền nam cũng có những vận động viên chất lượng tốt, đang được tập luyện tại Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương...

Với dàn vận động viên và đội ngũ huấn luyện viên kể trên, nếu Hải Dương khôi phục bóng chuyền bãi biển sẽ không gặp quá nhiều khó khăn, khi chỉ cần trưng dụng quân số từ bóng chuyền trong nhà sang.

Khôi phục đội tuyển bóng chuyền bãi biển có thể sẽ cải thiện được thành tích của môn bóng chuyền Hải Dương trong tương lai
Khôi phục đội tuyển bóng chuyền bãi biển có thể sẽ cải thiện được thành tích của môn bóng chuyền Hải Dương trong tương lai

Với bóng chuyền bãi biển, vận động viên phải thi đấu đa năng, chơi nhiều vị trí từ chủ công, phụ công đến chuyền 2. Trong khi đó, bóng chuyền trong nhà, các vận động viên thường chỉ đảm nhận 1 vị trí. Ngoài ra, bóng chuyền bãi biển không được thay người, huấn luyện viên không chỉ đạo, khác biệt về kích cỡ bóng thi đấu... Tuy nhiên, với tư duy của các vận động viên, huấn luyện viên chuyên nghiệp, họ dễ dàng tiếp cận với những thay đổi về luật thi đấu giữa bóng chuyền trong nhà và bóng chuyền bãi biển. Mặt khác, Hải Dương từng có bóng chuyền bãi biển và thi đấu rất thành công.

Bóng chuyền trong nhà của Hải Dương hiện có 48 vận động viên hạng A, tuyến trẻ luân huấn và trẻ mục tiêu. Đây là một trong những môn có đông vận động viên, chỉ sau bóng bàn, rowing, canoeing... Vì thế, kinh phí dành cho tập luyện, ăn ở, tập huấn, thi đấu của các đội tuyển bóng chuyền khá tốn kém. Trong khi đó, nhiều năm nay bóng chuyền trong nhà của Hải Dương chưa thể thăng hạng lên thi đấu tại giải vô địch quốc gia mà chỉ góp mặt ở giải hạng A.

Bộ máy gọn nhẹ

Bóng chuyền bãi biển không yêu cầu nhiều về cơ sở vật chất, đặc biệt gọn nhẹ về bộ máy của đội tuyển
Bóng chuyền bãi biển không yêu cầu nhiều về cơ sở vật chất, đặc biệt gọn nhẹ về bộ máy của đội tuyển

Trên thực tế, hiện nay dù không có đội tuyển, song bóng chuyền bãi biển của Hải Dương vẫn có trong kế hoạch chứ không hề bị xóa sổ. Cụ thể, bóng chuyền bãi biển có chỉ tiêu 4 vận động viên và 1 vận động viên.

Trước đây, huấn luyện viên Lê Thanh Nhất của Hải Dương đã đưa bóng chuyền bãi biển nữ của Hải Dương lên ngôi vô địch quốc gia năm 2002 trong chương trình Đại hội Thể thao toàn quốc và đưa đội tuyển bóng chuyền bãi biển nam Hải Dương giành ngôi á quân. Cặp vận động viên nữ vô địch quốc gia năm 2002 là Lưu Thị Hậu, Nguyễn Thị Hường; cặp nam giành ngôi á quân khi đó là Phạm Đức Dũng và Nguyễn Văn Dũng. Sau khi huấn luyện viên Lê Thanh Nhất nghỉ chế độ, bóng chuyền bãi biển Hải Dương không được duy trì và không có đội tuyển đã gần 20 năm nay. Những người từng giành ngôi vị cao cho bóng chuyền bãi biển trước đây hiện chỉ còn lại anh Phạm Đức Dũng - đang là huấn luyện viên bóng chuyền nữ trong nhà của Hải Dương.

Ngoài bộ máy gọn gàng, sử dụng nguồn kinh phí thấp, bóng chuyền bãi biển không cần nhiều chi phí cho cơ sở vật chất tập luyện, chỉ cần một bãi cát để tập luyện, thi đấu. Với những yếu tố trên, bóng chuyền bãi biển rất dễ lan tỏa và phát triển. Tại nội dung bóng chuyền bãi biển trong chương trình Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Hải Dương năm 2022 đã có 7 trong tổng số 12 huyện, thị xã, thành phố tham gia, gồm: Thanh Miện, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, Cẩm Giàng, Kim Thành và TP Hải Dương.

Ông Trịnh Công Quyền, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hải Dương (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ) cho biết, bóng chuyền được xác định là 1 trong 5 môn thể thao mũi nhọn của Hải Dương từ trước đến nay. Bóng chuyền nữ Hải Dương 2 lần vô địch toàn quốc, năm 1978 và năm 1980. Tuy vậy, từ đó đến nay, ngoại trừ vài lần thi đấu tại Giải vô địch quốc gia (cấp độ cao nhất của bóng chuyền Việt Nam) thì bóng chuyền Hải Dương không có thành tựu nào đáng kể.

Đối với bóng chuyền bãi biển, ông Trịnh Công Quyền cho biết, Hải Dương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, ngoài tiềm lực thực tế thì còn có bề dày truyền thống. Hai vận động viên Lưu Thị Hậu, Nguyễn Thị Hường sau khi giành huy chương vàng bóng chuyền bãi biển năm 2002 đã được tuyển chọn đại diện cho Việt Nam tranh giải bóng chuyền bãi biển quốc tế tại Hồng Kông (Trung Quốc). "Về thể thao thành tích cao, theo tôi nên phát triển, phục hồi môn bóng chuyền bãi biển, vừa là môn thể thao nhóm một Olympic, phù hợp với du lịch cộng đồng, đồng thời giảm nhẹ đầu tư kinh phí", ông Quyền nói.

TIẾN HUY
(0) Bình luận
Vì sao Hải Dương nên khôi phục bóng chuyền bãi biển?