"Hoạt động" ở đây, theo chuyên gia Smagula, bao gồm kích thích thể chất, tinh thần, có thể đơn giản là chạy việc vặt, đi dạo, chơi với gia đình và dành thời gian cho bạn bè.
Tiến sĩ Stephen Smagula, tác giả chính của nghiên cứu, đồng thời là trợ lý giáo sư về tâm thần học và dịch tễ học tại Đại học Pittsburgh, chỉ ra, trong nghiên cứu này, người tham gia thực hiện các thay đổi có chủ định đối với thói quen hằng ngày để có thể cải thiện sức khỏe và thể chất. Sau khi nghiên cứu 1.800 người lớn trên 65 tuổi trong một tuần, bao gồm theo dõi chuyển động của họ bằng đồng hồ thể dục và phân tích bảng câu hỏi liên quan đến nhận thức, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng gần 38% người tham gia đã thức dậy sớm có một ngày năng động.
Smagula cho biết, nhóm người dậy trước 7 giờ sáng, hoạt động trong 15 giờ mỗi ngày, có tâm trạng hạnh phúc hơn, ít trầm cảm hơn và có chức năng nhận thức tốt hơn những người tham gia khác.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, 32,6% số người tham gia chỉ hoạt động hiệu quả trong 13,4 giờ mỗi ngày, là kết quả của việc dậy muộn hoặc thức khuya.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng điều này khiến họ có nhiều triệu chứng trầm cảm và nhận thức kém hơn. Nhóm 29,8% tình nguyện viên cuối cùng không nhất quán với thói quen hằng ngày của họ, khiến sức khỏe tâm thần và kiểm tra nhận thức đều giảm so với nhóm đầu.
Theo Smagula, những phát hiện trong nghiên cứu cho thấy sự gián đoạn trong mô hình sinh hoạt là rất phổ biến và có liên quan đến các vấn đề sức khỏe. Mối quan hệ này là hai chiều, vì vậy, chỉ cần có sự khôi phục các mô hình sinh hoạt tích cực, bạn có thể cải thiện sức khỏe.
Thực tế cho thấy, những người lớn tuổi hoặc suy giảm trí nhớ có thói quen ngủ nghỉ thất thường và ít có xu hướng giao tiếp xã hội. Trong khi đó, thiết lập một lịch trình ngủ đều đặn và giữ cho cơ thể và tâm trí hoạt động trong ngày là những thói quen lành mạnh.
Tiến sĩ Ian Neel, bác sĩ lão khoa tại Đại học California, San Diego Health, cũng khẳng định người lớn tuổi được hưởng lợi từ việc duy trì hoạt động và tương tác xã hội.
Theo VnExpress