Kinh tế

Vì sao đại lý hải quan ở Hải Dương chưa mặn mà với cơ chế ưu tiên?

Hà Kiên 08/09/2023 06:00

Để trở thành đại lý hải quan, các công ty có chức năng thực hiện thủ tục hải quan cần tuân thủ hàng loạt điều kiện. Nhưng sau đó tỷ lệ tờ khai hải quan thực hiện theo đúng chức năng đại lý lại rất thấp.

00:00

z4622739340940_c2d6c508b89071cde60d9100d352a411.jpg
Gần như toàn bộ lượng tờ khai hải quan được thực hiện theo phương thức khai thuê, dù doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đã được công nhận là đại lý hải quan. Trong ảnh: 99% lượng tờ khai được Công ty TNHH ANT Vina cung cấp qua hình thức dịch vụ khai thuê

Nghịch lý

Trước năm 2019, Ban lãnh đạo Công ty TNHH ANT Vina (ở phường Việt Hòa, TP Hải Dương) lên kế hoạch trở thành đại lý làm thủ tục hải quan. Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Giám đốc công ty, để trở thành đại lý làm thủ tục hải quan, ngoài điều kiện về ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty phải có nhân sự đáp ứng điều kiện của đại lý hải quan. Một trong những điều kiện đó là phải có chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan.

Sau nhiều nỗ lực, năm 2019, Công ty TNHH ANT Vina được trở thành đại lý làm thủ tục hải quan. Hiện trung bình mỗi tháng, công ty thực hiện 1.100 tờ khai xuất nhập khẩu với kim ngạch gần 10 triệu USD. Tuy nhiên, số lượng tờ khai công ty thực hiện theo đúng chức năng đại lý hải quan chỉ chiếm 1% tổng số lượng tờ khai, 99% còn lại thực hiện theo hình thức dịch vụ khai thuê hải quan.

Công ty CP Quốc tế Delta (có trụ sở chính tại Hà Nội) được công nhận đủ điều kiện là đại lý hải quan từ năm 2004. Đến năm 2020, chi nhánh của công ty này ở Hải Dương (có địa chỉ ở thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng) cũng được công nhận đại lý hải quan. Trung bình mỗi tháng chi nhánh Hải Dương thực hiện 700 tờ khai xuất nhập khẩu cho đối tác. Tuy nhiên, 100% số tờ khai này đều thực hiện theo phương thức khai thuê, chưa phát sinh bất kỳ tờ khai nào theo phương thức đại lý hải quan.

Theo thống kê của Chi cục Hải quan Hải Dương, ở Hải Dương hiện có hơn 40 doanh nghiệp thực hiện nghiệp vụ khai thuê thủ tục hải quan. Trong đó 30 doanh nghiệp được Tổng cục Hải quan công nhận hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan. Trong số 30 đại lý hải quan này, chỉ có 2 doanh nghiệp thực hiện kê khai hải quan cho đối tác theo đúng chức năng là đại lý hải quan, còn lại là thực hiện theo dịch vụ khai thuê. Số lượng tờ khai của 2 doanh nghiệp thực hiện kê khai theo hình thức đại lý hải quan cũng chỉ chiếm 3% tổng số lượng tờ khai.

Những số liệu giảm dần này cho thấy một thực tế, dù doanh nghiệp được công nhận đại lý hải quan song chủ yếu hoạt động dịch vụ khai thuê.

Có cần trở thành đại lý hải quan?

z4628922686080_35be8b11d9bc13dc0722e6982cfdc566.jpg
Đa số doanh nghiệp đối tác chỉ sử dụng dịch vụ khai thuê hải quan là một trong nhiều nguyên nhân khiến đơn vị cung cấp dịch vụ không mặn mà với cơ chế đại lý hải quan (ảnh minh họa)

Khi doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện thủ tục qua đại lý hải quan sẽ tránh được một số rủi ro tiềm ẩn. Trường hợp một nữ nhân viên làm dịch vụ khai thuê đã sử dụng tài khoản, chữ ký số của doanh nghiệp đối tác để nhập lậu hàng hóa trị giá hàng tỷ đồng mà công an và Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phát hiện năm 2020 là một ví dụ. Những rủi ro này sẽ được loại bỏ nếu hoạt động đại lý hải quan phát triển đúng tiềm năng.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động đại lý hải quan tại Hải Dương tương đối “ế ẩm”. Ông Phạm Thanh Hưng, Giám đốc chi nhánh Hải Dương Công ty CP Quốc tế Delta cho biết: “Toàn bộ lượng tờ khai hải quan chúng tôi thực hiện đều qua hình thức khai thuê, bởi không có doanh nghiệp xuất nhập khẩu nào ký hợp đồng thực hiện phương thức đại lý hải quan”.

“So với việc phải cung cấp thông tin liên quan cho đại lý hải quan, khi sử dụng dịch vụ khai thuê, chúng tôi có thể giám sát chặt chẽ hơn các nghiệp vụ, thông tin trước khi gửi đến cơ quan hải quan. Ngoài ra, dù đơn vị thực hiện dịch vụ khai thuê đến trực tiếp hoặc làm việc, hỗ trợ từ xa cũng đều thông qua nền tảng phần mềm của chúng tôi, do đó việc kiểm soát sẽ chủ động hơn”, bà Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Eastech Việt Nam (khu công nghiệp Cộng Hòa, Chí Linh) cho biết.

Hiện nay, theo đánh giá của các doanh nghiệp và cơ quan chức năng, pháp luật về hải quan tương đối hoàn thiện. Từ đó định hướng phát triển hoạt động đại lý hải quan, kỳ vọng đại lý hải quan sẽ trở thành “cầu nối” giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Khi được công nhận, đại lý hải quan sẽ phải chịu ràng buộc hàng loạt trách nhiệm, trong đó có cả mặt pháp lý. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế phân biệt rõ ràng giữa lô hàng khai qua đại lý hải quan với bên dịch vụ khai thuê hay do chính doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện. Muốn có sự khác biệt, đại lý hải quan cần phải trở thành đại lý hải quan ưu tiên. Song, một số quy định trong Thông tư 72/2015/TT-BTC ngày 12.5.2015 của Bộ Tài chính về số lượng tờ khai, kim ngạch được nhận định là quá cao. Được biết, trong hàng nghìn đại lý hải quan trên cả nước, đến nay chưa đại lý nào được áp dụng chế độ ưu tiên.

Đây chính là lý do nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc trở thành đại lý hải quan, hoặc đã được công nhận nhưng vẫn làm dịch vụ khai thuê là chính. Công ty TNHH VDS ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) là một ví dụ. Với nhân sự đạt chuẩn, công ty này cơ bản đáp ứng các yêu cầu để trở thành đại lý hải quan. “Tuy nhiên, nhu cầu ký hợp đồng với đại lý hải quan gần như không có. Ngoài ra, giữa đại lý hải quan và dịch vụ khai thuê không có sự khác biệt trong thực hiện thủ tục nên chúng tôi chưa hướng đến việc trở thành đại lý hải quan”, ông Nguyễn Xuân Đảm, Giám đốc Công ty TNHH VDS chia sẻ.

Hà Kiên
(0) Bình luận
Vì sao đại lý hải quan ở Hải Dương chưa mặn mà với cơ chế ưu tiên?