Cơ chế ưu tiên về hải quan: Doanh nghiệp xuất nhập khẩu lợi đủ đường

12/07/2023 14:37

Được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.


Được hưởng cơ chế AEO đã giúp Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí khi thực hiện thủ tục hải quan

Thúc đẩy xuất nhập khẩu

Năm 2011, Việt Nam triển khai thí điểm chương trình doanh nghiệp ưu tiên về hải quan (Authorized Economic Operator - AEO) đối với doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Đến năm 2014, chương trình này chính thức được triển khai, thông qua việc đưa các quy định về chương trình vào Luật Hải quan năm 2014.

Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam ở khu công nghiệp Đại An là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của cả nước được công nhận cơ chế AEO từ tháng 7.2011 cho đến nay. Ông Sakamoto Takuya, Trưởng Bộ phận quản lý sản xuất của doanh nghiệp chia sẻ, quy định về AEO hiện hành đã tạo ra một số lợi ích chung như miễn kiểm tra chứng từ, miễn kiểm tra thực tế hàng hoá trong quá trình làm thủ tục hải quan, thông quan bằng tờ khai chưa hoàn chỉnh, các lợi ích về thời hạn nộp hồ sơ hải quan, xử lý nộp thuế…

Một ví dụ cụ thể, theo hệ thống phân luồng hải quan, tờ khai của doanh nghiệp hưởng cơ chế AEO thuộc luồng xanh được miễn kiểm tra hồ sơ, hàng hóa. Chỉ mất từ 10-30 giây sau khi khai báo, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo luồng xanh, có thể nhận hàng hóa tại cảng ngay lập tức. Trong khi doanh nghiệp khác thuộc luồng vàng (phải kiểm tra hồ sơ) sẽ mất thêm từ 30 - 120 phút, doanh nghiệp thuộc luồng đỏ (phải kiểm tra hàng hóa) sẽ mất thêm từ 2 giờ đến 1 ngày. Nhân số thời gian với hàng chục nghìn tờ khai mỗi năm, doanh nghiệp được hưởng cơ chế AEO sẽ tiết kiệm thời gian làm thủ tục hải quan vô cùng lớn.

“Hãy thử hình dung rằng nếu không được hưởng cơ chế AEO, mỗi khi giao hàng doanh nghiệp sẽ phải mở tờ khai, giao hàng nhiều lần phải mở tờ khai nhiều lần. Khi được hưởng cơ chế AEO, doanh nghiệp có thể giao hàng nhiều lần và chỉ phải mở tờ khai một lần trong một thời gian nhất định theo hợp đồng hoặc đơn hàng. Tiến độ thông quan nhờ đó được đẩy nhanh, rất hiệu quả và thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Sakamoto Takuya nói.

Đồng quan điểm, Trưởng bộ phận xuất nhập khẩu Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam tại khu công nghiệp Phúc Điền cho rằng cơ chế ưu tiên là một trong những phương án khả thi để cắt giảm chi phí, tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trung bình và lớn trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19 cũng như thích ứng với biến động kinh tế toàn cầu hiện nay. Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam cũng nằm trong số những doanh nghiệp đầu tiên của cả nước được hưởng cơ chế AEO từ tháng 7.2011.

Doanh nghiệp thứ 3 tính đến tháng 7.2023 tại Hải Dương được hưởng cơ chế AEO là Công ty TNHH May Tinh Lợi (được áp dụng từ tháng 7.2016).

3 doanh nghiệp trên thường xuyên nằm trong danh sách 5 doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất tỉnh (tính các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Hải Dương). Tính riêng nửa đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của 3 doanh nghiệp nói trên hơn 952 triệu USD, chiếm hơn 21% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. 


Doanh nghiệp đang được áp dụng cơ chế AEO cần tiếp tục tăng trưởng, tuân thủ pháp luật bởi việc đánh giá đáp ứng điều kiện sẽ được cơ quan hải quan tiến hành hằng năm (ảnh minh họa)

Hướng tới AEO

Theo khung tiêu chuẩn về bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi về thương mại toàn cầu của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), những lợi ích của cơ chế doanh nghiệp ưu tiên được chia thành 2 nhóm. Thứ nhất là nhóm các lợi ích chung gồm các chính sách giảm thiểu thủ tục hành chính, giảm thời gian giao nhận, lưu kho hàng hóa… Thứ hai là nhóm các lợi ích cụ thể cho từng bên trong giao dịch xuất nhập khẩu gồm người xuất khẩu, người nhập khẩu, đơn vị cung cấp dịch vụ kho bãi, đơn vị cung cấp dịch vụ logistics…

Theo đánh giá của ông Đinh Xuân Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hải Dương, những điều kiện thuận lợi cụ thể hiện tại đã và đang giúp đơn giản hóa quy trình, tiết kiệm thời gian thực hiện thủ tục hải quan, góp phần giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả quản trị nguồn vốn, thêm dư địa thúc đẩy xuất nhập khẩu. Khi được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp sẽ được tham gia vào cộng đồng doanh nghiệp ưu tiên gồm các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có quy mô hàng đầu Việt Nam, có sức ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế. 

Về thương mại quốc tế, cơ chế AEO có thể coi như một chứng chỉ bảo đảm về độ tin cậy, năng lực kinh tế, tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiếp cận nhanh hơn với khách hàng. Nhất là trong bối cảnh Tổng cục Hải quan tháng 2.2023 đã ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chương trình doanh nghiệp ưu tiên với các quốc gia thành viên khối ASEAN. 

Đến nay cả nước chỉ có khoảng 70 doanh nghiệp đang được áp dụng cơ chế AEO, trong đó ghi nhận từ Chi cục Hải quan Hải Dương, toàn tỉnh hiện có 3 doanh nghiệp. Phần lớn trong số này là các doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất nhập khẩu cao. Nguyên nhân chủ yếu từ việc không ít doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, hoặc chưa nắm rõ các quy định hay các điều kiện thuận lợi áp dụng cho doanh nghiệp AEO. “Chúng ta đã và đang tiệm cận hơn với thông lệ, quy định quốc tế khi triển khai AEO. Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong rà soát, đánh giá, tham khảo tư vấn từ chuyên gia hoặc cơ quan hải quan về khả năng được áp dụng cơ chế. Càng sớm tiếp cận, doanh nghiệp càng có thêm điều kiện tăng trưởng”, ông Vinh nói thêm.

Với những doanh nghiệp đang được áp dụng cơ chế AEO cần tiếp tục thực hiện các kế hoạch tăng trưởng, cũng như duy trì, nâng cao tính chủ động trong tuân thủ pháp luật, quy định, điều kiện của chương trình. Bởi theo cơ chế kiểm soát, đánh giá và xem xét hằng năm của Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp sẽ bị đình chỉ áp dụng cơ chế AEO nếu không đáp ứng các điều kiện quy định.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Cơ chế ưu tiên về hải quan: Doanh nghiệp xuất nhập khẩu lợi đủ đường